Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Những chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa

1. Khái niệm chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa


Bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa quyết định các chức năng cơ bản của mình. Trong đời sống xã hội có nhà nước, căn cứ trên tình hình thực tế của từng giai đoạn cụ thể đã quy định các phương hướng hoạt động của nhà nước trong từng giai đoạn đó, các phương hướng hoạt động cơ bản của nhà nước trong khoa học pháp lý được gọi là chức năng của nhà nước .

Chức năng nhà nước xã hội chủ nghĩa

Chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa là những phương hướng hoạt động cơ bản của nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhà nước trong các giai đoạn phát triển cụ thể.

Về bản chất, việc thực hiện các chức năng nhà nước bao giờ cũng là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động khác nhau của đời sống xã hội. Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa việc thực hiện chức năng nhà nước luôn gắn chặt với việc thực hiện quyền lực nhân dân.

Là một bộ phận hợp thành của đời sống xã hội có nhà nước, cũng như bất kỳ một hiện tượng xã hội nào chức năng của nhà nước không đứng im mà nó luôn có sự vận động và phát triển. Trong đời sống, căn cứ vào nhiệm vụ, mục tiêu của nhà nước ở từng giai đoạn cụ thể mà tương ứng với nó nhà nước có những chức năng khác nhau, ngay cả một chức năng cũng có sự thay đổi về nội dung để phù hợp với đời sống xã hội.

Mặc dù chức năng của nhà nước là những hoạt động riêng, nhưng giữa các chức năng có sự tác động qua lại, tương hỗ lẫn nhau cùng hướng tới việc thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ của nhà nước, vì thế chức năng của nhà nước hợp thành một hệ thống thống nhất có ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, thể hiện sự nhất quán và đồng bộ. Để thực hiện hệ thống chức năng này một bộ máy nhà nước với những cơ quan tương ứng đã được thiết lập.

Về nguyên tắc, các nhà nước xã hội chủ nghĩa đều có những chức năng giống nhau, song do xuất phát từ đặc điểm riêng biệt về các phương diện cụ thể của đời sống xã hội trong từng nước không giống nhau mà theo đó trong mỗi nước có những sự khác biệt về mức độ, phạm vi và phương pháp thực hiện chức năng.

2. Các chức năng đối nội của nhà nước xã hội chủ nghĩa


Cũng như bất kỳ kiểu nhà nước nào trong lịch sử, nhà nước xã hội chủ nghĩa trong hoạt động đối nội của mình đều phải tiến hành những hoạt động nhằm bảo đảm vị trí thống trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là giai cấp đang lãnh đạo xã hội; bảo vệ cơ sở kinh tế nền tảng cho sự tồn tại của nhà nước; bảo vệ vai trò thống trị về tư tưởng của nhân dân lao động trong xã hội. Tuy nhiên ngoài những chức năng nói trên khi xem xét các chức năng đối nội của nhà nước xã hội chủ nghĩa thấy nổi bật lên hai chức năng sau:

a. Chức năng kinh tế

Chức năng kinh tế là chức năng cơ bản, đặc thù của nhà nước xã hội chủ nghĩa, chức năng này xuất phát từ bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa không chỉ là một bộ máy hành chính - cưỡng chế mà còn là một tổ chức quản lý kinh tế - xã hội của nhân dân.

Trong từng giai đoạn phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa chức năng kinh tế có những biểu hiện cụ thể tuỳ thuộc vào nhiệm vụ, mục tiêu của nhà nước ở trong giai đoạn phát triển cụ thể. Trước đây, trong nền kinh tế tập trung, để thực hiện chức năng kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa tự biến mình thành một tổ chức siêu kinh tế, không chỉ dừng lại ở hoạt động quản lý, nhà nước còn tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm. Hiện nay trong nền kinh tế thị trường, đa thành phần kinh tế, định hướng xã hội chủ nghĩa, chức năng kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa hướng tới các nhiệm vụ sau:

- Tạo lập, bảo đảm môi trường lành mạnh để giải phóng các tiềm năng phát triển kinh tế , xây dựng và bảo đảm các điều kiện chính trị, pháp luật , xã hội, tổ chức ổn định cho sự phát triển của tất cả các thành phần kinh tế.

- Củng cố, phát triển các hình thức sở hữu trên cơ sở bảo đảm vai trò chủ đạo của hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể.

- Tạo các tiền đề cần thiết cho sự hội nhập của các thành phần kinh tế trong nước vào thị trường kinh tế quốc tế.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, chức năng kinh tế của nhà nước hướng tới các nội dung sau:

- Xây dựng chiến lược, chương trình, chính sách phát triển kinh tế định hướng cho nền kinh tế quốc dân phát triển trong nền kinh tế thị trường.

- Xây dựng, thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ hợp lý, bảo đảm sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia.

- Phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa và hạn chế những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường.

- Điều tiết những lợi ích giữa các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm công bằng xã hội.

-Phương pháp quản lý kinh tế chủ yếu là các biện pháp kinh tế và pháp luật. Trong đó pháp luật phải trở thành chuẩn mực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm cơ sở cho các tổ chức kinh tế và các cơ quan quản lý kinh tế của nhà nước hoạt động.

Chức năng nhà nước xã hội chủ nghĩa

b. Chức năng xã hội

Nhà nước xã hội chủ nghĩa có nhiệm vụ quan trọng là giải quyết tốt những đòi hỏi, nhu cầu xuất phát từ đời sống, hướng tới việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tất cả vì giá trị con người. Nền kinh tế thị trường được thiết lập trong các nhà nước xã hội chủ nghĩa đã mang lại nhiều thành tựu nhưng cũng đã đặt ra nhiều vấn đề như: văn hoá, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, việc làm... đòi hỏi phải giải quyết. Chính vì vậy, một trong những chức năng quan trọng của nhà nước xã hội chủ nghĩa là giải quyết các nhiệm vụ mà xã hội đặt ra, hướng tới sự phát triển bền vững trong đó con người là trung tâm.

Nội dung cơ bản của chức năng xã hội của nhà nước xã hội chủ nghĩa có thể khía quát ở các hướng chính sau:

- Nhà nước coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

- Nhà nước xác định khoa học - công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Nhà nước xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại.

- Nhà nước xây dựng, thực hiện chính sách chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

- Nhà nước tạo điều kiện để mỗi công dân đều có việc làm, khuyến khích mở rộng sản xuất, thu hút sức lao động; tích cực trong việc giải quyết vấn đề thất nghiệp...

- Nhà nước xây dựng chính sách thu nhập hợp lý, điều tiết mức thu nhập giữa những người có thu nhập cao sang những người có thu nhập thấp qua các chính sách về thuế.

- Nhà nước xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với những người có công, người về hưu, người già yếu cô đơn...

- Nhà nước chủ động tìm các biện pháp để giải quyết các tệ nạn xã hội như ma tuý, mãi dâm...

c. Chức năng giữ vững an ninh - chính trị, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân.

Đây là một trong những chức năng quan trọng của nhà nước xã hội chủ nghĩa trong tất cả các giai đoạn phát triển.

Nội dung của chức năng này thể hiện ở những mặt cơ bản sau:

- Nhà nước phải tăng cường sức mạnh về mọi mặt, sử dụng các hình thức và phương pháp để giữ vững sự ổn định chính trị, kiên quyết chống lại những ý đồ, hành vi nhằm gây mất ổn định an ninh - chính trị của đất nước.

- Bảo vệ và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân. Không ngừng mở rộng việc ghi nhận các quyền con người thành các quyền công dân; xác lập cơ chế pháp lý hữu hiệu nhằm bảo đảm cho các quyền tự do, dân chủ của công dân được thực hiện trên thực tế; phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi xâm phạm đến các quyền tự do, dân chủ của công dân.

- Bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thiết lập trật tự pháp luật. Để thực hiện điều này đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải tích cực chủ động trong hoạt động của mình, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, bảo vệ pháp luật, kết hợp sức mạnh của nhà nước với sức mạnh của xã hội để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt là tội phạm.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa

3. Các chức năng đối ngoại của nhà nước xã hội chủ nghĩa


a. Chức năng bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Đây là một trong những chức năng cơ bản của nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền của quốc gia, bảo đảm sự ổn định cho quốc gia. Để thực hiện chức năng này các nhà nước xã hội chủ nghĩa đều tập trung xây dựng một quân đội chính quy hiện đại có đủ khả năng đối phó với các mưu đồ can thiệp bằng vũ trang từ bên ngoài vào các nhà nước.

Nhà nước Việt Nam, để thực hiện tốt chức năng bảo vệ tổ quốc, bên cạnh việc xây dựng quân đội chính quy, từng bước hiện đại, có khả năng chiến đấu cao còn xây dựng một nền quốc phòng toàn dân, thực hiện chính sách giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, thực hiện chính sách hậu phương - quân đội.

b. Chức năng củng cố, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Mục đích của chức năng này nhằm mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng thời góp phần vào việc thiết lập một thế giới dân chủ và tiến bộ.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và xu hướng quốc tế hoá nền kinh tế thế giới, hoạt động đối ngoại của nhà nước ngày càng trở nên đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Hiện nay nhà nước ta thực hiện chính sách mở cửa, quan hệ với tất cả các nước, mở rộng quan hệ và hợp tác kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học và kỹ thuật theo các nguyên tắc của pháp luật quốc tế.

Hiện nay Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế. Trên các diễn đàn quốc tế và khu vực Nhà nước ta luôn tỏ rõ thiện chí và nỗ lực nhằm góp phần xây dựng một thế giới ổn định, hòa bình, phát triển. Do vậy, vị trí và ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế./.
 
Tham khảo thêm nội dung:

 

0 comments:

Đăng nhận xét