Hiển thị các bài đăng có nhãn lyluanchungvenhanuocpl. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn lyluanchungvenhanuocpl. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

Áp dụng pháp luật là gì?

|0 comments
Áp dụng pháp luật là một hoạt động có tổ chức mang tính quyền lực nhà nước của các cơ quan, người có thẩm quyền, nhằm thực hiện trong thực tế các quy phạm pháp luật trong mọi tình huống cụ thể của cuộc sống.

Hoạt động áp dụng pháp luật được tiến hành trong các trường hợp sau:


a. Khi những quan hệ pháp luật với những quyền và nghĩa vụ cụ thể không mặc nhiên phát sinh nếu thiếu sự can thiệp của nhà nước.

b. Khi xảy ra tranh chấp về quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên tham gia vào quan hệ pháp luật mà các bên đó không tự giải quyết được.


c. Khi cần áp dụng các biện pháp chế tài được nhà nước quy định trong các quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh.

d. Trong một số quan hệ pháp luật mà nhà nước thấy cần thiết phải tham gia để kiểm tra, giám sát hoạt động của các bên tham gia quan hệ đó, hoặc nhà nước xác nhận tồn tại hay không tồn tại một số vụ việc, sự kiện thực tế.

Áp dụng pháp luật là hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước. Nó vừa là một hình thức thực hiện pháp luật, vừa là cách thức nhà nước tổ chức cho các chủ thể thực hiện pháp luật.

Áp dụng pháp luật có các đặc điểm sau:


Thứ nhất, áp dụng pháp luật mang tính tổ chức, quyền lực nhà nước, cụ thể, hoạt động này chỉ do những cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền tiến hành. Hoạt động áp dụng pháp luật được tiến hành chủ yếu theo ý chí đơn phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không bị phụ thuộc vào ý chí của chủ thể bị áp dụng pháp luật. Văn bản áp dụng pháp luật mang tính bắt buộc phải thực hiện đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.


Thứ hai, áp dụng pháp luật là hoạt động được thực hiện theo thủ tục do pháp luật quy định chặt chẽ. Trong quá trình áp dụng pháp luật các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bên có liên quan phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định có tính thủ tục.

Thứ ba, áp dụng pháp luật là hoạt động điều chỉnh cá biệt, cụ thể đối với các quan hệ xã hội. Đối tượng của áp dụng pháp luật là những quan hệ xã hội cần đến sự điều chỉnh cá biệt, bổ sung trên những mệnh lệnh chung trong quy phạm pháp luật. Bằng hoạt động áp dụng pháp luật, những quy phạm pháp luật nhất định được cá biệt hoá, cụ thể hoá đối với những trường hợp cụ thể.

Thứ tư, áp dụng pháp luật là hoạt động có tính sáng tạo. Khi áp dụng pháp luật, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà chức trách phải nghiên cứu kỹ lưỡng vụ việc, làm sáng tỏ cấu thành pháp lý của nó để từ đó lựa chọn quy phạm, ra văn bản áp dụng pháp luật và tổ chức thi hành.


Từ sự phân tích trên cho thấy, áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức, thể hiện quyền lực nhà nước, được thực hiện thông quan những cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà chức trách, hoặc các tổ chức xã hội khi được nhà nước trao quyền, nhằm cá biệt hoá những quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể.

Hình thức thể hiện chính thức của hoạt động áp dụng pháp luật là văn bản áp dụng pháp luật.


Văn bản áp dụng pháp luật có một số đặc điểm sau:

1.Văn bản áp dụng pháp luật do những cơ quan (nhà chức trách, tổ chức) có thẩm quyền ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước.

2.Văn bản áp dụng pháp luật có tính chất cá biệt, chỉ áp dụng một lần đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể trong những trường hợp xác định.


3.Văn bản áp dụng pháp luật phải hợp pháp và phù hợp với thực tế. Nó phải phù hợp với luật và dựa trên những quy phạm pháp luật cụ thể. Nếu không phù hợp với các căn cứ pháp lý được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản áp dụng pháp luật sẽ bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ.

4. Văn bản áp dụng pháp luật được thể hiện trong những hình thức pháp lý xác định như: bản án, quyết định, lệnh...

5. Văn bản áp dụng pháp luật là một yếu tố của sự kiện pháp lý phức tạp, thiếu nó, nhiều quy phạm pháp luật không thể thực hiện được.

Như vậy, văn bản áp dụng pháp luật là văn bản pháp lý cá biệt, mang tính quyền lực do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà chức trách hoặc các tổ chức xã hội được trao quyền ban hành trên cơ sở những quy phạm pháp luật, nhằm xác định những quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các cá nhân, tổ chức hoặc xác định những biện pháp chế tài đối với chủ thể tham gia quan hệ pháp luật.

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

Thực hiện pháp luật là gì?

|0 comments
Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm xác định những khả năng xử sự của mọi cá nhân, tổ chức. Khả năng đó chỉ trở thành hiện thực trong đời sống khi các chủ thể pháp luật thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật.

Thực hiện đúng đắn và nghiêm chỉnh pháp luật là một yêu cầu khách quan của quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật. Pháp luật được ban hành nhiều nhưng ít đi vào cuộc sống thì điều đó chứng tỏ công tác quản lý nhà nước kém hiệu quả. Chính vì vậy, xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật là hai hoạt động có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhà nước sử dụng pháp luật như là phương tiện để thực hiện sự quản lý đối với xã hôị, và đây là nguyên tắc hiến định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.


Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật.

Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật” (Điều 12 Hiến pháp năm 1992).

Qua các luận điểm trên cho thấy, thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật.

Nói cách khác, việc thực hiện thực tế các quy phạm pháp luật, đó là bằng hành vi cụ thể của mình, các chủ thể pháp luật khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, đã bằng các hành vi của mình thực hiện các quy phạm pháp luật phù hợp với các quy định đã được đưa ra.

Các quy phạm pháp luật hết sức phong phú cho nên hình thức thực hiện chúng cũng rất phong phú. Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực hiện pháp luật, khoa học pháp lý đã xác định những hình thức thực hiện pháp luật sau:

- Tuân thủ pháp luật


Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm. Ở hình thức thực hiện này đòi hỏi chủ thể thực hiện nghĩa vụ một cách thụ động, thực hiện các quy phạm pháp luật dưới dạng không hành động, ví dụ như không tiến hành những hành vi trôm cắp tài sản, cướp của, giết người...chính là đã tuân thủ pháp luật.


- Thi hành pháp luật


Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực.

Khác với tuân thủ pháp luật, trong hình thức thi hành pháp luật đòi hỏi chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý dưới dạng hành động tích cực, chẳng hạn như cá nhân thực hiện nghĩa vụ quân sự, ghi tên vào danh sách nhập ngũ, hoặc người kinhn doanh thực hiện nghĩa vụ thuế... chính là đã thi hành pháp luật.

- Sử dụng pháp luật


Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình (thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép).

Hình thức này khác với các hình thức trên ở chỗ chủ thể pháp luật có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép theo ý chí của mình chứ không bị bắt buộc phải thực hiện, chẳng hạn như công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo...


- Áp dụng pháp luật


Là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào những quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể.

Nếu tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật là những hình thức thực hiện pháp luật mà mọi chủ thể pháp luật đều có thể thực hiện thì áp dụng pháp luật là hình thức luôn luôn đòi hỏi phải có sự tham gia của các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền. Áp dụng pháp luật là một hình thức rất quan trọng của thực hiện pháp luật liên quan đến hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước vì thế cần thiết phải đi sâu nghiên cứu.

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

Khái niệm và phân loại sự kiện pháp lý

|0 comments

Khái niệm sự kiện pháp lý

Quan hệ pháp luật phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt dưới tác động của 3 điều kiện: quy phạm pháp luật, năng lực chủ thể và sự kiện pháp lý.

Quy phạm pháp luật tác động tới các quan hệ xã hội nhất định và biến chúng thành quan hệ pháp luật.

Quan hệ pháp luật nảy sinh giữa các cá nhân, pháp nhân với nhau.

Như vậy, quy phạm pháp luật và năng lực chủ thể là 2 điều kiện chung cho sự xuất hiện, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật.


Tuy nhiên, sự tác động của quy phạm pháp luật đển làm nảy sinh quan hệ pháp luật là một cơ chế phức tạp, quy phạm pháp luật chỉ có thể làm nảy sinh quan hệ pháp luật giữa các chủ thể nếu có sự kiện pháp lý xuất hiện.

Sự kiện pháp lý là những tình huống, hiện tượng, quá trình xảy ra trong đời sống có liên quan với sự xuất hiện, thay đổi và chấm dứt các quan hệ pháp luật.

Thực chất, sự kiện pháp lý là những sự kiện trong số các sự kiện xảy ra trong thực tế, là bộ phận của chúng. Tuy nhiên, không phải sự kiện thực tế nào cũng là sự kiện pháp lý, sự kiện thực tế chỉ trở thành sự kiện pháp lý khi pháp luật xác định rõ điều đó.

Phân loại sự kiện pháp lý


- Căn cứ vào tiêu chuẩn ý chí, sự kiện pháp lý được phân thành sự biến và hành vi.

Sự biến là những hiện tượng tự nhiên (như thiên tai, chiến tranh hoặc dịch bệnh...) những hiện tượng này xảy ra không phụ thuộc vào ý chí của con người nhưng trong những trường hợp nhất định, pháp luật gắn sự xuất hiện của chúng với sự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật.


Hành vi (hành động hoặc không hành động) là những sự kiện xảy ra theo ý chí của con người, là hình thức biểu thị ý chí của chủ thể pháp luật, ví dụ: Hành vi ký kết hợp đồng, hành vi trộm cắp, sự bỏ mặc không cứu giúp người...

Hành vi được chia thành hành vi hợp pháp và hành vi không hợp pháp.


- Căn cứ vào số lượng những hoàn cảnh, điều kiện làm nảy sinh hậu quả pháp lý, có thể phân chia sự kiện pháp lý thành sự kiện pháp lý đơn giản và sự kiện pháp lý phức tạp.

Sự kiện pháp lý đơn giản chỉ bao gồm một sự kiện thực tế mà pháp luật gắn sự xuất hiện với sự phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật.


Sự kiện pháp lý phức tạp bao gồm một loạt các sự kiện mà chỉ với sự xuất hiện của chúng các quan hệ pháp luật mới phát sinh, thay đổi hay chấm dứt.

Căn cứ vào hậu quả của sự kiện pháp lý, ta có sự kiện pháp lý phát sinh quan hệ pháp luật, sự kiện pháp lý làm thay đổi quan hệ pháp luật và sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ pháp luật.

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Nội dung của quan hệ pháp luật là gì?

|0 comments

Nội dung của quan hệ pháp luật xã hội chủ nghĩa bao gồm quyền và nghĩa vụ chủ thể.


Trong lý luận về nhà nước và pháp luật, vấn đề quyền và nghĩa vụ pháp lý được xem xét ở 2 góc độ khác nhau: Thứ nhất, dưới góc độ là năng lực pháp luật của chủ thể thì quyền và nghĩa vụ pháp lý được xem như những thuộc tính của chủ thể pháp luật. Các quyền và nghĩa vụ này được Hiến pháp, các luật và văn bản dưới luật khác quy định.


Các quyền và nghĩa vụ này tồn tại với chủ thể, chấm dứt khi chủ thể không còn. Thứ hai, dưới góc độ kết quả của hoạt động của các chủ thể thì đó là các quyền và nghĩa vụ pháp lý mà chủ thể tạo ra thông qua việc tham gia các quan hệ pháp luật cụ thể.

a. Quyền chủ thể


Quyền chủ thể là cách xử sự mà pháp luật cho phép chủ thể được tiến hành. Nói cách khác, quyền chủ thể là khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định được pháp luật cho phép.

Quyền chủ thể có những đặc tính sau:

- Khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định mà pháp luật cho phép.

- Khả năng yêu cầu các chủ thể khác chấm dứt các hành vi cản trở mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ hoặc yêu cầu tôn trọng các nghĩa vụ tương ứng phát sinh từ quyền và nghĩa vụ này.

- Khả năng các chủ thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ lợi ích của mình.

Các thuộc tính kể trên của quyền chủ thể là thống nhất không thể tách rời.


b. Nghĩa vụ pháp lý của chủ thể


Nghĩa vụ của chủ thể là cách xử sự mà nhà nước bắt buộc chủ thể phải tiến hành nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền của chủ thể khác.

Nghĩa vụ pháp lý có những đặc điểm sau:

- Chủ thể cần phải tiến hành những hành vi bắt buộc nhất định.

- Việc thực hiện những hành vi bắt buộc nhằm đáp ứng quyền chủ thể của chủ thể bên kia.

- Phải chịu trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện những hành vi bắt buộc.


Quyền và nghĩa vụ chủ thể là hai hiện tượng pháp lý không thể thiếu trong một quan hệ pháp luật cụ thể. Trong quan hệ pháp luật, quyền và nghĩa vụ chủ thể luôn thống nhất, phù hợp với nhau. Nội dung, số lượng và các biện pháp bảo đảm thực hiện chúng đều do nhà nước quy định hoặc do các bên xác lập trên cơ sở các quy định đó.

Khách thể của quan hệ pháp luật


Cá nhân, tổ chức khi tham gia vào một quan hệ pháp luật nào đó đều nhằm thoả mãn những nhu cầu nhất định về vật chất, văn hoá, tinh thần. Lợi ích mà các bên hướng tới nhằm đạt được khi tham gia vào quan hệ pháp luật là một yếu tố không thể thiếu của quan hệ pháp luật.Từ đó có thể xác định khách thể quan hệ pháp luật như sau:


Khách thể quan hệ pháp luật là lợi ích vật chất, tinh thần và những lợi ích xã hội khác có thể thoả mãn những nhu cầu, đòi hỏi của các tổ chức hoặc cá nhân mà vì chúng các chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật, nghĩa là, vì chúng mà họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ chủ thể của mình.

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Tìm hiểu về chủ thể quan hệ pháp luật

|0 comments

Khái niệm chủ thể quan hệ pháp luật


Chủ thể của quan hệ pháp luật là các bên tham gia quan hệ pháp luật, nói cách khác, đó là các bên tham gia vào quan hệ pháp luật trên cơ sở những quyền và nghĩa vụ do nhà nước quy định trong pháp luật. Chủ thể của quan hệ pháp luật có thể là cá nhân, tổ chức.

Những người có ý thức và ý chí nhất định sẽ có đủ tư cách để tham gia quan hệ pháp luật. Quan hệ pháp luật là quan hệ giữa người với người. Trong quan hệ pháp luật có sự tham gia của con người hoặc tổ chức của con người. Chủ thể pháp luật có những phẩm chất riêng biệt nhà nước trao cho là năng lực chủ thể.


Năng lực chủ thể gồm: năng lực pháp luật và năng lực hành vi.


Năng lực pháp luật là khả năng của chủ thể được nhà nước thừa nhận, có được các quyền và nghĩa vụ pháp lý theo quy định của pháp luật.

Năng lực hành vi là khả năng của chủ thể được nhà nước thừa nhận bằng hành vi của mình thực hiện một cách độc lập các quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý, độc lập tham gia các quan hệ xã hội.

Có thể nói, năng lực pháp luật được nhà nước thừa nhận mang quyền và nghiã vụ pháp lý của chủ thể có ở tuyệt đại đa số công dân. Năng lực pháp luật có thể coi là phần tối thiểu trong năng lực chủ thể của cá nhân và pháp nhân.Với năng lực pháp luật, các chủ thể chỉ tham gia thụ động vào các quan hệ pháp luật hoặc được pháp luật bảo vệ trong các quan hệ nhất định. Tính thụ động của chủ thể thể hiện ở chỗ là không tự ra được cho mình các quyền và nghĩa vụ pháp lý. Các quyền và nghĩa vụ pháp lý mà họ có được trong quan hệ pháp luật cụ thể là do ý chí của nhà nước.


Năng lực hành vi là khả năng của chủ thể có thể tự bản thân mình thực hiện các hành vi pháp lý do nhà nước quy định, tự mình tham gia vào các quan hệ xã hội. Muốn tham gia vào các quan hệ, con người phải có ý thức và ý chí nhất định. Thực tế không phải tất cả mọi người đều có ý thức, ý chí nhất định do đó không phải tất cả mọi người đều có đầy đủ các tiêu chuẩn để tham gia vào các quan hệ pháp luật.

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi hình thành nên quyền chủ thể của quan hệ pháp luật. Như vậy, khả năng trở thành chủ thể quan hệ pháp luật là thuộc tính không tách rời của mỗi cá nhân nhưng không phải là thuộc tính tự nhiên, không phải sẵn có khi người đó sinh ra, mà là những thuộc tính pháp lý. Chúng đều do nhà nước thừa nhận cho mỗi tổ chức hoặc cá nhân. Chỉ thông qua quan hệ pháp luật ta mới biết được tổ chức, cá nhân nào có năng lực chủ thể pháp luật để tham gia vào những quan hệ pháp luật nhất định.

Đối với cá nhân, năng lực pháp luật do nhà nước quy định. Nó xuất hiện kể từ khi cá nhân đó sinh ra và chỉ mất đi khi người đó chết. Trong một số lĩnh vực, năng lực pháp luật được mở rộng dần từng bước phụ thuộc vào sự phát triển thể lực và trí lực của cá nhân. Khác với năng lực pháp luật, năng lực hành vi chỉ xuất hiện khi cá nhân đã đạt đến độ tuổi nhất định và đạt được những điều kiện nhất định. Phần lớn pháp luật các nước đều lấy độ tuổi 18 và tiêu chuẩn lý trí làm điều kiện công nhận năng lực hành vi cho chủ thể của đa số các nhóm quan hệ pháp luật.



Đối với tổ chức, năng lực pháp luật và năng lực hành vi xuất hiện cùng một lúc, vào thời điểm tổ chức được thành lập và được ghi nhận trong điều lệ, quy chế hoặc văn bản của nhà nước, năng lực hành vi của tổ chức thực hiện thông qua người đứng đầu cơ quan hoặc người đại diện.

Các loại chủ thế quan hệ pháp luật xã hội chủ nghĩa


Chủ thể quan hệ pháp luật xã hội chủ nghĩa bao gồm cá nhân, pháp nhân.

* Chủ thể là cá nhân gồm có công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch.


Công dân là loại chủ thể cá nhân phổ biến và chủ yếu của quan hệ pháp luật.

Người nước ngoài và người không quốc tịch có thể trở thành chủ thể quan hệ pháp luật theo các điều kiện áp dụng đối với công dân Việt Nam.

* Pháp nhân.


Pháp nhân là tổ chức dược nhà nước thừa nhận là chủ thể của quan hệ pháp luật. Pháp nhân là một thực thể nhân tạo được cá nhân hoặc nhà nước dựng lên. Pháp nhân chỉ xuất hiện khi được nhà nước cho phép, tức là được nhà nước thành lập hoặc thừa nhận. Tuy nhiên, không phải tổ chức nào do nhà nước lập ra hoặc thừa nhận cũng có tư cách pháp nhân. Pháp nhân là một khái niệm pháp lý phản ánh địa vị pháp lý của một tổ chức. Để được công nhận là pháp nhân tổ chức phải có những điều kiện sau:

- Phải là một tổ chức hợp pháp.

- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ.

- Phải có tài sản riêng, và bằng chính tài sản của mình pháp nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tài sản của mình.


- Pháp nhân nhân danh chính bản thân mình tiến hành các hoạt động (kể cả hoạt động tố tụng) và phải chịu trách nhiệm về hậu quả phát sinh từ những hành động đó.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật. Đặc điểm cơ bản trong năng lực chủ thể pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa thể hiện ở chỗ nhà nước là chủ thể quyền lực chính trị của toàn xã hội, là chủ sở hữu lớn nhất của toàn xã hội.