Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Những quan điểm phi Mác xít về nguồn gốc và bản chất của nhà nước

Nhà nước là một hiện tượng xã hội phức tạp, liên quan chặt chẽ tới lợi ích của giai cấp, tầng lợp và dân tộc. Để nhận thức đúng đắn hiện tượng nhà nước cần phải làm sáng tỏ hàng loạt vấn đề liên quan như: nguồn gốc xuất hiện nhà nước, bản chất của nhà nước .v.v...

Trong lịch sử chính trị - pháp lý, ngay từ thời kỳ cổ đại, trung đại và cận đại đã có nhiều nhà tư tưởng đề cập tới vấn đề nguồn gốc của nhà nước. Xuất phát từ các góc độ khác nhau, các nhà tư tưởng trong lịch sử đã có những lý giải khác nhau về vấn đề nguồn gốc của nhà nước.




Những nhà tư tưởng theo thuyết thần học (đại diện thời trung cổ Ph. Ácvin, thời kỳ tư sản có: Masiten, Koct...) cho rằng: Thượng đế là người sắp đặt mọi trật tự trong xã hội, nhà nước là do thượng đế sáng tạo ra để bảo vệ trật tự chung xã hội. Nhà nước là do đấng tối cao sinh ra, là sự thể hiện ý chí của chúa trời. Do vậy, quyền lực của nhà nước là hiện thân quyền lực của chúa, vì thế nó vĩnh cửu.

Những người theo thuyết gia trưởng (Arixtôt, philmer, Mikhailốp, Merđoóc.v.v...) cho rằng nhà nước ra đời là kết quả của sự phát triển gia đình, là hình thức tổ chức tự nhiên của cuộc sống con người, vì vậy, cũng như gia đình, nhà nước tồn tại trong mọi xã hội, quyền lực nhà nước, về thực chất cũng giống như quyền lực của người đứng đầu trong gia đình, nó chỉ là sự tiếp tục của quyền lực của người gia trưởng trong gia đình.



Vào thế kỷ XVI, XVII, XVIII, cùng với trào lưu cách mạng tư sản, trong lịch sử tư tưởng chính trị -- pháp lý đã xuất hiện nhiều quan điểm mới về nhà nước nói chung và về nguồn gốc của nó. Thuyết khế ước xã hội được hình thành trong điều kiện như vậy. Thuyết khế ước xã hội (đại diện tiêu biểu có: Grooxi, Xpirôza, gốp, Lôre, Rút xô .v.v...) cho rằng nhà nước ra đời là kết quả của một bản hợp đồng (khế ước) được ký kết giữa các thành viên sống trong trạng thái tự nhiên không có nhà nước. Về bản chất, nhà nước phản ánh lợi ích của các thành viên sống trong xã hội, lợi ích của mỗi thành viên đều được nhà nước ghi nhận và bảo vệ.

Với sự ra đời của thuyết khế ước xã hội đánh dấu một bước tiến trong nhận thức của con người về nguồn gốc nhà nước, đó là một cú đánh mạnh vào thành trì xã hội phong kiến, chống lại sự chuyên quyền, độc đoán của chế độ phong kiến. Theo học thuyết, chủ quyền trong nhà nước thuộc về nhân dân, và trong trường hợp nhà nước không làm tròn vai trò của mình, các quyền tự nhiên bị vi phạm thì khế ước sẽ bị mất hiệu lực, nhân dân có quyền lật đổ nhà nước và ký kết khế ước mới. Về mặt lịch sử, thuyết khế ước xã hội về nguồn gốc nhà nước có tính cách mạng và giá trị lịch sử to lớn, nó chứa đựng những yếu tố tiến bộ xã hội, coi nhà nước và quyền lực nhà nước là sản phẩm của sự vận động xã hội loài người. Tuy nhiên, thuyết khế ước xã hội vẫn có những hạn chế nhất định, về căn bản các nhà tư tưởng vẫn đứng trên lập trường quan điểm của chủ nghĩa duy tâm để giải thích sự xuất hiện của nhà nước, bản chất của nhà nước và sự thay thế nhà nước. Nó chưa lý giải được nguồn gốc vật chất và bản chất giai cấp của nhà nước.


Ngày nay, trước những căn cứ khoa học và sự thật lịch sử, ngày càng có nhiều nhà tư tưởng tư sản thừa nhận nhà nước là sản phẩm của đấu trang giai cấp, là tổ chức quyền lực của xã hội có giai cấp, nhưng mặt khác họ vẫn không chịu thừa nhận bản chất giai cấp của nhà nước mà coi nhà nước vẫn là công cụ đứng ngoài bản chất giai cấp, không mang tính giai cấp, là cơ quan trọng tài để điều hoà mâu thuẫn giai cấp. Vì thế, trong lịch sử tư tưởng chính trị - pháp lý hiện một số học thuyết khác của các nhà tư tưởng tư sản về nguồn gốc nhà nước như : thuyết bạo lực, thuyết tâm lý xã hội. Thuyết bạo lực cho rằng: nhà nước xuất hiện trực tiếp từ việc sử dụng bạo lực của thị tộ này với thị tộc khác, thị tộc chiến thắng đã lập ra bộ máy đặc biệt (nhà nước) để nô dịch thị tộc chiến bại (đại diện cho những nhà tư tưởng theo học thuyết này là Gumplôvích, E. Đuyrinh, Kauxky). Thuyết tâm lý lại cho rằng: nhà nước xuất hiện do nhu cầu về tâm lý của con người nguyên thuỷ luôn muốn phụ thuộc vào các thủ lĩnh, giáo sỹ... Vì vậy, nhà nước là tổ chức của những siêu nhân có sự mạng lãnh đạo xã hội (đại diện cho những nhà tư tưởng theo học thuyết này là L.Petơrazitki, Phơređơ...).

Nhìn chung, tất cả các quan điểm trên hoặc do hạn chế về mặt lịch sử, hoặc do nhận thức còn thấp kém, hoặc do bị chi phối bởi lợi ích của giai cấp đã giải thích sai lệch nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của nhà nước. Các học thuyết đều gặp nhau ở điểm chung là xem xét nhà nước trong sự cô lập với những điều kiện chi phối nó, đặc biệt là không gắn nó với điều kiện vật chất đã sản sinh ra nó. Chính vì vậy, họ đều cho rằng nhà nước là vĩnh hằng, là của tất cả mọi người, không mang bản chất giai cấp, là công cụ để duy trì trật tự xã hội trong tình trạng ổn định, pháp triển và phồn vinh./.

Lý luận nhà nước và Pháp Luật

Tham khảo thêm:

3 comments:

  • Unknown says:
    lúc 00:30 21 tháng 10, 2015

    khá ổn, nếu đc các ví dụ về các nhà tư tưởng trong từng tki

  • Ao Làng says:
    lúc 11:02 2 tháng 12, 2015

    Tài liệu tham khảo cho người học lý luận vui vui thôi

  • Unknown says:
    lúc 19:51 7 tháng 4, 2020

    Vậy ưu điểm các học thuyết này là gì ạ

Đăng nhận xét