Hiển thị các bài đăng có nhãn lyluanchungnhanuocvaphapluat. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn lyluanchungnhanuocvaphapluat. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Cơ chế bảo vệ nhân dân tố cáo hành vi tham nhũng của quan lại thời phong kiến Việt Nam

|0 comments

Thời phong kiến, các ông vua tạo ra rất nhiều hình thức để dân có thể tố cáo hành vi tham nhũng của quan lại. Từ việc đặt hòm thư ngay tại sân rồng, gửi thư lên triều đình, đến việc đề tên yết bảng ở ngã ba đường phản ánh những việc tốt xấu của quan lại, thậm chí, có thể trực tiếp đánh trông kêu oan để gặp vua tố cáo...

Bên cạnh việc biết khuyến khích nhân dân tố cáo hành vi tham nhũng của tham quan ô lại, các ông vua cũng rất biết đặt ra cơ chế khuyến khích người đi tố cáo gắn với chính sách bảo vệ không để người tố cáo bị trả thù, trù dập như miễn lao dịch ba năm (nhà Lý), người ở kinh thành cáo giác sẽ được trọng thưởng; quy định rõ ràng về chế độ thưởng cho người dân tố cáo đúng sự thật các hành vi tham nhũng của quan lại các cấp (nhà lê); nếu có tôi được miễn tội (thời vua Gia Long)...

Ý thức được vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể, của nhân dân, nhà nước ta hiện nay rất khuyến khích nhân dân tham gia phòng chống, phát hiện và đấu tranh chống với các hành vi tham nhũng thông qua hoạt động tố cáo, giám sát... Ngoài ra,  pháp luật hiện hành cũng quy định bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết các vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng. Những tổ chức, cá nhân khác tuy không có trách nhiệm trực tiếp nhưng vẫn có nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ và thực hiện các yêu cầu hợp pháp của các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng.

Luật phòng chống tham nhũng 2005 cũng nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ người tố cáo khỏi sự đe doạ trả thù, trù dập. Đây là vấn đề rất quan trọng vì trong nhiều trường hợp, người bị tố cáo là những người có chức vụ, quyền hạn, thậm chí giữ chức vụ, quyền hạn rất cao nên họ có nhiều cách để trả thù người tố cáo hoặc giữ kín sự việc mà người tố cáo phát hiện cho nhà nước. Vì vậy, nhà nước phải có những cơ chế bảo vệ người tố cáo, tạo điều kiện để công dân tích cực phát hiện các hành vi tham nhũng, cơ quan nhà nước kịp thời xử lý.

Tác giả: Lan Hương

Phòng ngừa tham nhũng ngay từ khâu tuyển chọn và sử dụng quan lại - Kinh nghiệm thời phong kiến

|0 comments

Hướng tuyển chọn, sử dụng quan lại theo hướng trọng người vừa có đức vừa có tài

Yếu tố đạo đức là yếu tố rất được coi trọng để các vị vua tuyển chọn người tài. Quan điểm của các vị vua cho rằng quan lại phải là người có đức thì mới có thể làm gương cho kẻ dưới, mới có thể “trị quốc”, “bình thiên hạ”. Chính vì thế mà Nhà Lê đã từng đặt ra lệ: đối với người đi thi buộc địa phương phải chịu trách nhiệm về tư cách đạo đức của sĩ tử đi thi Hương (lệ khảo kết hương thí) và lệ kê khai ba đời (cung khai tam đại). Ngẫm lại mới thấy đúng, nếu ngay từ đầu, tuyển người mà chú ý đến đạo đức của người đó, xét mặt đạo đức phải đi đôi với tài năng thì chắc chắn người được tuyển sẽ là vị quan tốt, biết yêu thương dân, vì thế sẽ không thể có lòng tham được.


Khoa cử là con đường chính để chọn người tài nhưng bằng cấp không hoàn toàn là tuyệt đối

Có hai điểm về tuyển dụng quan lại thời phong kiến mà chúng ta nên quan tâm đó là: Có sự áp dụng mềm dẻo để chọn được người tài không quan tâm vào đường xuất thân, ngoài hình thức tuyển cử còn đề cử. Đây là sự táo bạo rất hợp lý bởi điều kiện học tập của mọi người là không giống nhau, có người có tài nhưng không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, hơn nữa người học bằng cấp cao chưa hẳn đã vận dụng vào thực tế giỏi. Vì vậy không nên hoàn toàn lấy thi cử, bằng cấp làm tiêu chuẩn duy nhất.

Hơn nữa, các bậc vua chúa rất biết đào tạo lại đội ngũ quan lại để trong một khoảng thời gian đủ dài để chuyển đội ngũ công thần (đa số là những người có công lập ra triều đại, đưa vua lên ngôi) thành đội ngũ quan lại có xuất thân là khoa bảng là chủ yếu.

Tuy nhiên hiện tại, việc tuyển dụng công chức của chúng ta hiện nay quá coi trọng ở đầu vào. Bằng cấp là yếu tố đầu tiên để tuyển dụng công chức, nghĩa là chúng ta chỉ coi trọng cái hình thức, chức danh trong khi cái mà hành chính nhà nước đang hướng tới là hiệu lực và hiệu quả, thì ở đầu ra chúng ta lại không quan tâm chú trọng. Ở đâu đó người ta dùng bằng giả để “ đánh lừa” các cơ quan, và bằng giả chủ yếu là để thăng tiến. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, cho nên tất cả hoạt động tuyển dụng, cất nhắc đều đòi hỏi bằng cấp. Nhiều cán bộ chịu khó học hành, có bằng cấp thật và trình độ thật. Nhưng cũng không ít người “trình” ra bằng giả để giả quyết công việc cho nhanh. Thực tế, ai cũng thấy nhiều nhân vật xuất chúng trên thế giới, từ nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho tới chính trị gia không hề có bằng cấp cao. Câu nệ bằng cấp không chỉ bỏ mất những người có tài năng thực sự mà vô hình chung còn khuyến khích người không có điều kiện học tập tìm đến bằng giả. Vì thế tuyển chọn, sử dụng, đề bạt cán bộ phải theo năng lực thực tế, bằng cấp chỉ nên là một căn cứ để xem xét, chứ không nên tuyệt đối hóa nó. Với những ai do điều kiện lịch sử mà không có đủ bằng cấp, muốn tồn tại được phải đi học, gây nên “cơn sốt học” không vì kiến thức mà vì bằng cấp thuần túy, khó tránh khỏi những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, mà năng lực, trình độ công tác của công chức vẫn không được nâng lên.

Đề cao trách nhiệm cá nhân của người tiến cử, bảo cử quan lại

Quy định này đưa ra nhằm hạn chế tình trạng đề cử “láo”. Ai mà đề cử người không có tài sẽ bị phạt: “người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì sẽ bị biếm..., nếu vì tình riêng hoặc vì ăn tiền mà tiến cử thì xử nặng thêm hai bậc” (điều 174, Quốc triều hình luật). Chính quy định chặt chẽ này mà quan lại làm nhiệm vụ đề cử không giám tiến cử, bảo cử sai vì tình riêng hay vì nhận tiền hối lộ, đút lót.

Thực tế hiện nay cho thấy, chúng ta cũng cần phải có những quy định chặt chẽ trong việc giới thiệu nhân sự để chọn người hiền tài. Khi được tiến cử mà người không “xứng chức”, hư hỏng thì người tiến cử phải chịu trách nhiệm và bị phạt. Cán bộ lãnh đạo có quyền tiến cử nhưng cũng phải chịu trách nhiệm về người mình tiến cử. Khi ai đó tiến cử được người hiền tài thật sự thì người đó được khen thưởng. Không có những quy định trách nhiệm rõ ràng như vậy sẽ tạo sơ hở để kẻ xấu lợi dụng, họ có quyền tiến cử mà không phải chịu trách nhiệm gì cả. Áp dụng nghiêm những quy định này chắc chắn chúng ta sẽ hạn chế được rất nhiều tệ nạn “chạy chức, chạy quyền”, “mua quan, bán chức” như hiện nay.

Ngày nay chúng ta thấy, việc “cử” thường đặt trước việc thi, ý nghĩa của hai từ “thi - cử” mà ông cha ta vẫn nói từ xưa, đến nay đã bị đổi vị trí. Điều này dẫn đến thực trạng tiếp nhận cán bộ vào cơ quan, thông qua các mối quan hệ quen biết hoặc do hối lộ rồi sau đó mới tổ chức “thi tuyển nội bộ”, mới cử họ đi học lớp nọ lớp kia (chủ yếu là tại chức để chính thức hóa chức danh), để có đủ điều kiện ngạch, bậc mà họ được giữ .

Thực hiện luân chuyển quan lại

Ý nghĩa lớn lao của việc luân chuyển quan lại là không chỉ sắp đặt quan lại vào vị trí làm việc phù hợp với sở trường, sở đoản mà còn khích lệ được tinh thần làm việc của quan lại khi được là đúng ở vị trí mà mình yêu thích, có thể phát huy được hết khả năng của bản thân, từ đó nâng cao hiệu quả làm việc của quan lại. Không những thế, ý đồ khác của việc luân chuyển quan lại còn nằm ở chỗ sẽ hạn chế được tình trạng tham nhũng. Bởi quan lại sẽ không được làm việc ở một vị trí quá lâu, có đủ thời gian để gây ảnh hưởng đối với người khác để tham nhũng. Thời gian luân chuyển thời đó ít nhât là 6 năm - khoảng thời gian theo quan điểm chủ quan cá nhân không phải là ngắn để tận tường, nắm rõ công việc, nhưng cũng không phải là quá dài để quan lại có thể thực hiện hành vi tham tang.

Ngày nay, việc luân chuyển cán bộ vẫn là một việc làm cần thiết nhưng chúng ta cũng chưa làm thật tốt. Việc luân chuyển cán bộ chưa có kế hoạch cụ thể. Do thiếu sự chuẩn bị về chuyên môn đã tạo ra không ít khó khăn cho những cán bộ được luân chuyển. Thời gian luân chuyển can bộ chuyên môn là ba năm, như vậy khoảng thời gian này là quá ngắn để họ nắm bắt được công việc. Ở một vài nơi việc luân chuyển cán bộ còn được lợi dụng vì động cơ cá nhân.



Thực hiện chế độ Hồi tỵ

Đây là cách làm rất khoa học, rất tiến bộ của phong kiến trong việc phòng chống tham nhũng.

Theo đó, những người có quan hệ huyết thồng, đồng hương, thầy trò, bạn bè... không cùng được làm quan hay làm việc một địa phương, công sở. Việc quy định như vậy nhằm mục đích tránh sự kéo bè, kéo cánh, bao che nhau phạm pháp, nâng đỡ, thiên vị cho nhau, gây ra nhiều tiêu cực, làm cho bộ máy nhà nước kém hiệu lực. Mà trong đó tham nhũng theo dây ô là một nguy cơ rất lớn.

Kinh nghiệm này được đời sau tiếp thu, học hỏi và đưa vào trong quy định pháp luật đối với cán bộ, công chức. Trước đây pháp lệnh cán bộ công chức năm 1998 quy định: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước (điều 19); người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức không được bố trí vợ, hoặc chồng, bố mẹ, con, anh chị em ruột mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, kê toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, hoặc mua bán vật tư, hàng hóa, giao dịch, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức đó (điều 20).

Về sau, điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005, cũng quy định về hồi tỵ sau:

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước (khoản 2).

- Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ, hoặc chồng, bố mẹ, con, anh chị em ruột mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, kê toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức đó (khoản 3).

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp (khoản 4).

- Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác của doanh nghiệp Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí cho vợ hoặc chồng, bố, me, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao cho mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp (khoản 5).

Tuy nhiên trên thực tế, hiện tượng này vẫn diễn ra rất phổ biến, hàng loạt các gói thầu của các công trình cấp quốc gia “rơi” vào tay của vợ hoặc chồng, hoặc anh em họ hàng, con cháu của người đứng đầu hoặc cấp phó của các “ông to” trong bộ máy nhà nước.

Hơn nữa, trong khâu tuyển chọn quan lại, triều đình phong kiến cũng rất chú trọng đến việc giáo dục quan lại, thể hiện ở việc tăng cường giáo huấn. Các đề thi Văn Sách trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình phần lớn đều đưa ra chủ đề “trị nước” và trách nhiệm của kẻ sĩ, với mục đích là làm cho quan lại thấm nhuần và giữ được lý tưởng sống của kẻ sỹ “Thành danh, lập ngôn, lập công và lập đức”, chấp nhận “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an” (người quân tử ăn không cần no, ở không cần sang) hay “an bần, lạc đạo” (Yên phậnv ới cảnh nghèo mà vui được hành đạo, tức đem tài năng thi thố với đời, để “trị quốc bình thiên hạ” ), sống thanh liêm. Rõ ràng, việc giáo dục quan lại ngay từ khi mới đặt chân vào chốn quan trường (thể hiện ngay trong đề thi) có ý nghĩa lớn trong việc làm cho quan lại thấm nhuần tư tưởng và đạo đức của một kẻ sĩ, một người quân tử, của một vị quan thanh liêm.

Tiến hành “khảo khóa” để phát hiện hành vi tham nhũng

Mặc dù “khảo khóa” là một bước trong sử dụng quan lại. Tuy nhiên đi sâu vào tìm hiểu biện pháp này sẽ thấy tính chất “phát hiện” nhiều hơn là “phòng ngừa”. Do đó, cố ý đặt nó tách riêng ra như một kinh nghiệm mà chúng ta có thể rút ra từ các cách làm của các triều đại phong kiến.


Tiến hành khảo khóa theo lệ là ý tưởng tiến bộ, còn nguyên giá trị đến ngày nay. Khảo khóa không chỉ kiểm tra năng lực của quan lại mà còn giúp vua phát hiện các hành vi tham nhũng của quan lại. Các ông không chỉ giám sát bên ngoài (chủ yếu tập trung về công vụ) và còn giám sát bên trong (tiến hành khảo khóa, khảo thí, tập trung vào năng lực chuyên môn và đạo đức của quan lại nhiều hơn nữa). Mục đích nhằm kiểm tra định kỳ đối đội ngũ quan lại. Quan lại nào không xứng chức sẽ bị giản thải (cho về hưu sớm), thậm chí nếu không hoàn thành nhiệm vụ còn có thể bị phạt tội bằng hình thức giáng chức... Bởi các vị vua nhận thấy rằng: Muốn sử dụng được người tài xứng đáng với công việc phải định kỳ kiểm tra năng lực công tác của quan lại, việc kiểm tra thường xuyên này sẽ phát hiện ra được hành vi tham nhũng của quan lại. Ý nghĩa tích cực thể hiện ở các mặt sau:

 Thứ nhất, làm cho người hiền tài không bị vùi lấp, kẻ vô tài không được nương thân.

Thứ hai, khắc phục được những điểm yếu của phép tuyển bổ quan lại bằng tuyển cử (giỏi trên sách vở mà không có khả năng ứng dụng trong thực tế) và bảo cử khi không thực sự có tài.

Thứ ba, phát hiện ra những việc làm tốt - xấu của quan lại. Nếu tốt thì khen thưởng. Nếu xấu thì phạt tội.

Ngày nay, đối tượng, nội dung quản lý ngày càng đa dạng, phức tạp, thực tiễn ngày càng có nhiều chuyến biến nhanh, do đó đòi hỏi người quản lý phải thực sự là người nhạy bén, năng động, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ công tác. Sự kiểm tra định kỳ năng lực công tác của cán bộ công chức ngày càng quan trọng và trở nên cần thiết bội lần so với trước đây.

Tuy nhiên sự kiểm tra, đánh giá cán bộ công chức hiện nay còn làm rất hình thức. Vì thế mang lại hiệu quả không cao và càng không có ý nghĩa trong việc phát hiện ra hành vi tham nhũng. Nguyên nhân là các tiêu chí đánh giá chưa gắn với công việc cụ thể; các phương pháp đánh giá thiếu tính khoa học; việc đánh giá bị chi phối nhiều bởi yếu tố chủ quan (bị mua chuộc hoặc thân quen).

Việt Nam là một nước nặng về tư tưởng phong kiến, “một người làm quan cả họ được nhờ”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, cả nể. Chính vì thế việc đánh giá công chức chỉ thực hiện trên danh nghĩa. Chúng ta lấy một ví dụ như thế này để chứng minh: Giữa cấp trên và nhân viên có quan hệ huyết thống, hoặc người nhân viên khi vào cơ quan được cấp trên đó “nâng đỡ”, nên khi nhân viên bỏ phiếu tín nhiệm cấp trên thì có một thực tế chắc chắn rằng không nhân viên nào giám bỏ phiếu bất tín nhiệm với vị cấp trên đó. Hơn nữa việc đánh giá tốt người này cũng chẳng ảnh hưởng tới ai, mình đánh giá tốt cho đồng nghiệp thì đồng nghiệp lại bỏ phiếu cho mình, như vậy là đôi bên đều có lợi. Không có một lí do, hay động lực nào để các nhân viên trong một cơ quan phải đánh giá đúng về nhau.

Ngoài ra ở nước ta một công việc nhưng do nhiều người làm, liên quan đến nhiều phòng, nhiều bộ phận khác nhau. Việc kiểm tra nội bộ như hiện nay thực hiện không mấy hiệu quả, bởi “chẳng ai vạch áo cho người xem lưng bao giờ”, việc đánh giá, kiểm tra diễn ra với tinh thần “trong nhà tự đóng cửa bảo nhau”. Thử hỏi với cách thức như vậy, thì làm sao có thể đánh giá đúng năng lực của cán bộ, công chức. Và làm sao có thể phát hiện được hành vi tham ô, nhận hối lộ của bấy kỳ thành viên nào, khi mà tất cả đều rất “đoàn kết”, “che chở” cho nhau.

Việc đánh giá quan lại thời phong kiến dựa trên những tiêu chí rất cụ thể, trong đó tiêu chí thanh liêm được đánh giá rất cao, là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá quan lại là tốt hay không tốt, có hoàn thành nhiệm vụ được giao phó hay không?

Đơn cử, việc xếp hạng thưởng khảo năm Nhâm Thìn (1712), niên hiệu Vĩnh Thụy như đã nói ở chương 1. Hạng thượng khảo là những  viên quan siêng năng, cẩn thận, công bằng, thanh liêm, yêu thương dân... Điều này giúp cho việc đánh giá từng quan lại được chính xác, kinh nghiệm quý này mà thời nay chúng ta làm chưa tốt.

 Việc đánh giá cán bộ, công chức ở nước ta trên thực tiễn chưa có hiệu quả bởi tiêu chí đưa ra là “hoàn thành nhiệm vụ”. Nhưng với mô hình chức nghiệp, không có các bản mô tả công việc cụ thể, công việc liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều bộ phận vậy thì tiêu chuẩn công việc là ở đâu? Như thế nào là hoàn thành nhiệm vụ? Rõ ràng là không có một tiêu chí nào đánh giá cụ thể: chỉ vẻn vẹn trong có 4 từ “hoàn thành nhiệm vụ”. Bên cạnh đó chúng ta thấy việc quy định thành nhiệm vụ hai năm liên tiếp hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực thì cơ quan có thẩm quyền sẽ bố trí công tác khác, cũng là một kẽ hở trong công tác quản lí công chức. Như vậy cứ không hoàn thành nhiệm vụ lại chuyển thì bao giờ bộ máy hành chính ở nước ta mới gạn lọc được những người thực sự có năng lực. Còn chưa nói đến việc, những người không có năng lực thường lại là những người hay nhũng nhiễu, hách dịch cửa quyền với dân để vòi vĩnh.

Tác giả: Lan Hương

Mức lương đảm bảo đời sống để đội ngũ quan lại thấy không cần phải tham nhũng

|0 comments

Đưa ra mức lương đảm bảo đời sống để đội ngũ quan lại thấy không cần phải tham nhũng

Nhìn lại cách làm này của các triều đại phong kiến, cho thấy các ông vua rất quan tâm đến chăm lo đời sống của quan lại bằng cách đặt ra chế độ lương bổng hợp lý cho đội ngũ quan lại, tùy thuộc vào tính chất công việc cũng như mức độ hoàn thành công việc được giao (Triều Nguyễn - ban đầu tiền dưỡng liêm được cấp hàng quý vào tháng đầu của quý: Tri phủ được 25 quan tiền, 25 phương gạo, tri huyện được 20 quan tiền, 20 phương gạo. nhưng từ năm 1838 trở đi tiền dưỡng liêm không cấp đồng loạt nữa mà được cấp ít nhiều tùy thuộc vào tính chất của từng phủ, từng huyện, tính chất công việc đảm nhiệm...), nhất là thường xuyên thưởng hậu cho những người đạt được công lớn.

Việc cấp bổng lộc và ruộng đất theo phẩm hàm và khối lượng công việc quan lại phải làm. Đây là việc làm hết sức khoa học, vừa khuyến khích quan lại tận tụy với công việc, không so bì vất vả với nhàn tản, vừa là trả công xứng đáng cho người lao động. Người làm quan vừa được đối xử công bằng mà nhà nước lại sử dụng đồng tiền một cách hợp lý. Như vậy, cách làm này có tác dụng khích lệ rất lớn đối với quan lại. Họ nghĩ rằng việc hưởng bổng lộc vua ban cho chính là chịu ơn nhà vua. Vì thế, họ không có tư tưởng tham nhũng và không cần phải tham nhũng.

Vua Minh Mạng khi bàn về cải cách tiền lương với hai cận thần là Trương Đăng Kế và Hà Duy Phiên rằng: “Lệ lương bổng của các quan văn, võ từ tứ, ngũ phẩm trở xuống dần dần giảm đi, đến nỗi có người tháng chỉ còn hơn một quan. Người ta ai cũng có vợ, có con, lương như vậy thì lấy gì mà chu cấp, nên bàn bạc mà tăng lên, trẫm thực không xẻn tiếc gì cả” [38,331]. “Trẫm nghĩ bọn người lương ít không đủ nuôi đức thanh liêm, nay đã được ngoại lệ gia ân thì các ngươi phải cố gắng” [38,15].

Không chỉ có lương bổng hợp lý mà các ông vua còn rất chú ý đến việc làm sao để duy trì lòng “thanh liêm” của quan lại, bằng cách cấp tiền dưỡng liêm để nuôi lòng thanh liêm của quan lại. Tiền dưỡng liêm có khi được cấp bằng với mức lương của họ. Vì thế, đã không ít quan lại phấn đấu giữ vững phẩm chất của mình để xứng với những “đồng tiền thanh liêm” mà vua ban cho.

Hiện nay, mặt bằng chung lương trả cho cán bộ, công nhân viên chức ở nước ta còn quá thấp (lương tối thiểu là 1.050.000 đồng), chưa đủ đảm bảo đời sống cho họ cũng như đảm bảo việc tái sản xuất sức lao động. Mặc dù, pháp luật quy định công chức được trả lương xứng đáng với nhiệm vụ được giao, tiền lương được tính theo ngạch bậc, tuy nhiên khối lượng công việc giữa các ngành nghề lại hoàn toàn khác nhau, và tăng ngạch bậc còn bị phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thâm niên... do đó, mức lương cũng chưa thật sự công bằng giữa các vị trí công việc. Ngoài ra, xét kinh nghiệm này ở hiện tại, thấy rõ điều kiện nước ta với bộ máy hành chính quá cồng kềnh, trong khi đó tiềm lực quốc gia không mạnh, thì việc tăng lương cao để đảm bảo mức sống cho cán bộ, công chức là rất khó.

Tác giả: Lan Hương

Tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật kinh nghiệm từ cách phòng chống tham nhũng thời phong kiến

|0 comments

 Đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật

Mạnh Tử có một câu rất nổi tiếng: “Không có lễ nghĩa thì trên dưới đều loạn. Không có pháp luật thì của dùng không đủ”. Ngay từ năm 1919, bác Hồ cũng đã khẳng định: “Trăm điều cần phải có thần linh pháp quyền”. Như vậy, trong bất kỳ một xã hội nào, hệ thống pháp luật bao giờ cũng là nền tảng và cơ sở để ràng buộc và phát triển các mối quan hệ xã hội.

Vua Lê Thánh Tông đã từng cho rằng: “Trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Đặt ra pháp luật là trên để răn dạy quan lại, dưới là để dân chúng trăm họ biết mà thực hiện. Mọi sự rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn về kỷ cương. Trong một xã hội, nếu xã trưởng ỷ thế, cậy quyền, trong một huyện nếu huyện trưởng coi thường phép nước và trên hết nếu vua tự mình phá bỏ luật lệ thì đất nước sẽ lâm nguy” [13,292].

Chính vì thế mà, các triều đại phong kiến của Việt Nam coi pháp luật là công cụ chính, hiệu quả (nhưng không phải là duy nhất) trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Kinh nghiệm rút ra là tính thực thi của pháp luật phong kiến rất được các vị vua quan tâm và chú ý bằng việc xử nghiêm các hành vi tham nhũng lớn nhỏ.

Một là tất cả các hành vi tham nhũng đều bị nghiêm trị thích đáng, không phân biệt chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là ai, là dòng dõi hoàng tộc, hoàng thân cốt thích hay là quan đại thần của triều đình, tất cả quan lại từ trung ương đến địa phương từ tể tướng cho đến viên lại, từ người đang đương chức đến người đã về hưu, hễ có hành vi tham tang đều bị xử lý. Ngoài ra, phương châm chống tham nhũng của các triều đại phong kiến được đáng học hỏi ở tinh thần làm từ trên xuống dưới. Cuộc đấu tranh này chỉ có hiệu quả khi sử dụng tổng hợp các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Vì thế, phương châm chống tham nhũng của các triều đại phong kiến đáng được học hỏi ở tinh thần làm từ trên xuống dưới. Càng quan lại đầu triều càng phải xử nghiêm để làm gương từ trên xuống dưới.

Hai là để cho người nhà nhận hối lộ thì quan lại đương nhiệm cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.

Trường hợp của Nguyễn Quý Đức (1648 - 1720) là tể tướng đứng đầu bách quan trong hơn 10 năm nhưng không để ý để người nhà nhận hối lộ mà vẫn bị giáng chức vào năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa (1696)... Điều này có nghĩa tích cực trong việc tăng trách nhiệm của quan lại, không chỉ chú ý tới hành vi của mình, mà còn phải chú ý đến hành vi của người thân, nếu để tội tham nhũng xảy dù là không phải bản thân vị quan đó thực hiện thì thì trách nhiệm cũng không thể chối bỏ.

Ba là quan lại có hành vi chiếm đoạt của công, nhận hối lộ hoặc sử dụng lãng phí của công bị phạt tiền gấp đôi so với số tiền nhận được, chiếm được hoặc do lãng phí gây ra.

 Điều 138 Hoàng Việt Luật lệ quy định: Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ (...) những tiền ăn hối lộ xử phạt gấp đôi nộp vào kho; điều 560: Lãng phí của công (…) thì phải bồi thường gấp đôi… Đây là phương pháp xử lý luôn hướng tới triệt tiêu tài sản có được từ tham nhũng, không những vậy, với nguyên tắc bồi thường gấp đôi số tài sản tham nhũng còn có ý nghĩa răn đe quan lại để họ không dám tham nhũng. Như vậy, đánh vào kinh tế của đối tượng vi phạm luôn là một biện pháp mang hiệu quả cao.

Một quy định rất hay, đó là quy định về xử phạt đối với việc sử dụng lãng phí của công cũng bị xử phạt rất nghiêm khắc: Lãng phí của công (…) thì phải bồi thường gấp đôi;…Cái mà hiện nay chúng ta hô hào rất lớn rằng: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhưng tiêu chí nào được đưa ra để xử những hành vi được coi là lãng phí (trừ khi lãng phí đó thật là lớn, có yếu tố hình sự). Khi mà lãng phí len lỏi vào khắp các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, bắt đầu từ những hành động rất nhỏ ( không tắt điều hòa, điện trước khi rời cơ quan...) cho đến những hành vi làm thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỷ đồng...

Bốn là quan về hưu vẫn bị đem ra xử về tội tham nhũng. Đây có thể coi là tiến bộ rất lớn về mặt nhận thức trong cách thức phòng chống tham nhũng của các triều đại phong kiến.

Điều 112 của Bộ Hoàng Việt luật lệ quy định: “Những người phạm tội khi đương chức, sau khi già về hưu mới phát hiện ra vụ việc thì vẫn phải chịu trách nhiệm với hình thức luận tội khi đương chức. Nếu quá tuổi già và đang bị bệnh yếu không thể ngồi giam được thì có thể chiếu cố thay bằng trưng thu các loại tài sản nộp thế”.

Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành của Việt Nam chưa thấy có bất cứ một điều luật cụ thể nào nào quy định về việc xử lý hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức sau khi về hưu (trừ điều luật quy định về nguyên tắc xử lý tham nhũng, quy định có xử lý đối với hành vi tham nhũng của người đã về hưu (Điều 9 Luật Phòng chống tham nhũng), nhưng chưa có bất cứ một điều luật nào tiếp theo đó được cụ thể hóa, và trên thực tế cũng chưa có bất kì hành động nào được thực hiện để tuân thủ quy định đó.

Trong Luật Cán bộ, công chức 2010 thấy có quy định rằng: Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài (điều 19). Chính vì thế mà hiện tượng “tranh thủ kiếm chác” của quan chức  trước khi về hưu là điều thường xuyên xảy ra. Vì họ cho rằng khi đã về “vườn” thì sẽ khó có thể gây ảnh hưởng đối với người khác, và khi đã “hạ cánh an toàn” rồi thì cũng sẽ chẳng còn ai điều tra làm gì nữa.

Năm là chỉ cần tham nhũng nhỏ cũng bị xử phạt thật nặng, đồng thời kiên quyết xử tử hình đối với tội phạm tham nhũng lớn.

Những hình phạt đối với tội tham nhũng khá đầy đủ, từ nhẹ đến nặng. Các vị vua của phong kiến cho rằng, hành vi tham nhũng được coi là một tội ác, do đó không thể nâng tay, dù người thực hiện hành vi đó là người có công rất lớn đối với vua và triều đình. Chỉ cần ăn đút lót 1 lượng đến 5 lương phạt 80 trượng, 10 lượng phạt 90 trượng, 10 - 15 lượng phạt 100 trượng... còn nếu là 80 lượng đúng, phạt treo cổ (Hoàng Việt luật lệ)

Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định có thể phạt tử hình đối với những hành vi sau (theo bộ luật hình sự hiện hành):

- Hành vi tham ô thuộc một trong các trường hợp: chiếm đoạt tài sản có giá trị 500 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác;

- Nhận hối lộ một trong các trường hợp sau: của hối lộ có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác;

Rõ ràng trong  số 12 hành vi mà Luật phòng chống tham nhũng 2005 quy định là hành vi tham nhũng thì theo Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 chỉ quy định 7 hành vi được coi là tội phạm có tính chất tham nhũng, bao gồm:

- Tham ô tài sản;

- Nhận hối lộ;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ;

- Lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi;

- Giả mạo trong công tác


Và trong tất cả 7 hành vi đấy chỉ có 2 hành vi (như đã trình bày ở trên) là có thể bị mức phạt tử hình. Còn đối với tất cả các hành vi còn lại tùy mức nặng nhẹ, đa số là bị phạt tù không quá 20 năm. Có phải chúng ta đang quá coi thường tính chất nghiêm trọng mà các hành vi tham nhũng mang lại cho xã hội. Thiệt hại về vật chất mà hành vi tham nhũng tạo ra có thể lên tới con số hàng trăm nghìn tỉ đồng, nhưng có lẽ nó cũng chẳng thấm thoát vào đâu so với sự khuynh đảo cả một thể chế chính trị, sự sụp đổ của một nhà nước mà hệ quả của tham nhũng có thể tạo ra.

Việt nam từ khi giành độc lập sau vụ án của Trần Dụ Châu - Cục trưởng cục quân nhu, và Thứ trưởng Bộ Canh Nông Vũ Việt Hưng vì tội tham nhũng thì cho tới nay chưa có bất kỳ trường hợp nào bị xử tử hình vì tội này. Có phải từ đó tới nay, nước ta đã loại bỏ được tham nhũng, dẫu có, thì may chăng đó cũng chỉ những hành vi tham nhũng nhỏ ở mức khiển trách, kỉ luật. Nhưng thực tế thì không phải vậy, mặc dù, chặng đường từ năm 1945 cho tới nay cũng đã hơn nửa thế kỉ trôi qua, và ở Việt Nam đã có không ít các vụ tham nhũng lớn xảy ra, còn thiệt hại gấp bội lần so với hai vụ án nổi trước đó, đặc biệt là từ khi chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng càng nhiều với tính chất càng nghiêm trọng tinh vi. Nhưng hầu hết các vụ việc đều bị lờ đi, bị “giật giây” bởi một thế lực “ngầm” nào đó. Nếu vụ việc có bị phanh phui ra thì đó cũng chỉ là những vụ việc rất nhỏ, và được kết luận bởi những nguyên nhân rất khách quan, hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Vậy nên, kinh nghiệm ở đây, cái mà chúng ta thực sự rút ra được từ cách phòng chống tham nhũng của các triều đại phong kiến, đó là phải xử lý thật nghiêm các hành vi tham nhũng, dù là nhỏ nhất thì mới có tác dụng răn đe những người khác. Đặt vào hoàn cảnh Việt Nam ở hiện tại chúng ta thấy, suy cho cùng, các giải pháp xử lý nghiêm cũng nhằm vào việc ngăn ngừa các vi phạm sau xảy ra.

Tác giả: Lan Hương

Kinh nghiệm rút ra từ cách phòng chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam

|0 comments

 Phòng ngừa là biện pháp được chú trọng trước tiên

Thực tiễn cho thấy, nếu được thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sẽ có tác dụng lớn trong việc ngăn chặn ngay từ đầu những cơ hội, điều kiện để tham nhũng nảy sinh. Hay nói theo cách khác, phòng ngừa chính là việc ngăn chặn, tiêu diệt tham nhũng từ trong “trứng nước”. Do đó, những biện pháp này bao giờ cũng có hiệu quả to lớn, dài lâu. Phòng ngừa tốt sẽ đẩy lùi những mầm họa của tham nhũng. Lịch sử chỉ ra, giai đoạn thịnh trị chính là thời điểm các vương triều phong kiến thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tệ tham nhũng. Không phải ngẫu nhiên mà triều đại phong kiến lại đưa ra hàng loạt các giải pháp liên quan đến tuyển chọn, đào tạo và sử dụng quan lại từ mặt tài năng cho đến đức độ đồng thời giáo dục quan lại bằng cách tăng cường giáo huấn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tham nhũng... Tất cả những biện pháp đó đưa ra đều nhằm ngăn chặn những nguy cơ có thể nảy sinh ra tham nhũng. Đấy là kinh nghiệm rất quý báu mà cha ông đã để lại. Vì ngày nay, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều coi trọng các giải pháp phòng ngừa tham nhũng vì cho rằng đây là những giải pháp tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Xa xưa, các vị vua ý thức được để phòng ngừa hiệu quả, trước tiên cần đánh trực tiếp vào đối tượng có thể tham nhũng, đó chính là đội ngũ quan lại. Nay, chúng ta biết mặc dù phòng ngừa có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp, nhưng tiếp thu từ kinh nghiệm của cha ông đi trước, chúng ta cũng rất ý thức được mục tiêu của giải pháp phòng ngừa là làm cho mọi chủ thể trong xã hội, đặc biệt là những người thực thi quyền lực công không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng. Để đạt được mục tiêu này, kinh nghiệm cho thấy, những cách thức được sử dụng phổ biến nhất trong lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam đó là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tham nhũng và phòng chống tham nhũng; chú trọng công tác tuyển chọn, giáo dục, đào tạo và sử dụng đội ngũ quan lại; thực hiện chế độ lương bổng và đãi ngộ hợp lý.

Tạo sự độc lập của cơ quan giám sát và việc thiết lập các vòng kiểm soát lẫn nhau

* Tính độc lập của cơ quan giám sát

Các cơ quan giám sát thời phong kiến rất độc lập và được trao quyền hành rất lớn:

- Chế độ thanh tra, giám sát thời Lê Thánh Tông là chế độ độc lập, có thể báo cáo vượt cấp. Ví dụ, một quan Tri phủ mắc lỗi thì quan Hiến sát có quyền tâu hặc thẳng lên Ngự sử Đài hoặc trực tiếp lên Bộ Hình, thậm chí lên cả vua, không cần thông qua Giám sát Ngự sử. Triều đình sẽ cử ngay quan về điều tra, nếu quan Tri phủ có lỗi hoặc vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Cả quan Đô Ngự sử cũng có thể bị người khác tâu hặc nếu phạm lỗi.

Chế độ giám sát giúp cho triều đình phát hiện sớm và chính xác các vụ việc tiêu cực, đánh giá lại để kịp thời xử lý; đồng thời răn đe quan lại, để họ biết sợ pháp luật, phấn đấu thành vị quan tài giỏi, đức hạnh.

- Tính độc lập của cơ quan giám sát được tuyệt đối nhất là thời vua Minh Mạng. Ông quy định: Đô sát viện có quyền kiểm tra các cơ quan khác nhau và đàn hặc rộng rãi, trên từ hoàng thân, quốc thích, hoàng tử chư công, dưới đến bá quan văn võ. Đô sát viện là cơ quan được tổ chức độc lập, không chịu sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan nào ở triêu đình trung ương. Đô sát viện chỉ chịu sự điều khiển trực tiếp của nhà vua. Khi phát hiện các ngôn quan có quyền tâu thẳng lên vua. Ông nói: “Ngôn quan là tai mắt của triều đình. Từ hoàng thân quốc thích cho đến trăm quan nếu ai không giữ công bằng pháp luật, ngôn quan đều được quyền hặc tâu” [316]. Các đoàn kinh lược đại sứ được ông trao cho quyền “tiền trảm, hậu tấu”, nghĩa là thay mặt nhà vua giải quyết các công việc tại chỗ, sau đó mới phải báo cáo lại. Chính quyền hành rộng rãi và tính độc lập này đã tạo nên uy quyền thực sự cho các quan Ngự sự, giúp họ đánh giá xét xử quan lại khách quan đúng với công tội của từng lại, quan.

Trong khi đó, hiện nay hệ thống cơ quan thanh tra của nước ta vẫn hoạt động trong khuôn khổ bộ máy của thủ trưởng, của lãnh đạo; pháp luật về thanh tra chịu sự tác động rất lớn của các văn bản pháp luật quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính. Vì thế với cơ chế này rất khó có thể kiểm tra giám sát, khách quan và độc lập được, lúc này tính độc lập của hoạt động thanh tra chỉ là tương đối. Sự tác động của hệ thống hành chính đến cơ quan thanh tra thể hiện ở những mặt sau:

 - Cơ quan thanh tra được xác định là cơ quan chuyên môn, là một bộ phận cấu thành của bộ máy hành chính, cho nên cơ cấu, tổ chức của các các cơ quan trong bộ máy hành chính thay đổi sẽ dẫn đến sự thay đổi về vị trí, cơ cấu, tổ chức của cơ quan thanh tra. Vì vậy, các văn bản pháp luật về thanh tra phải quy định tổ chức thanh tra phù hợp với các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính.

 - Các cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Thông qua các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính mà cơ quan thanh tra xác định được đối tượng và nội dung thanh tra. Vì vậy, các văn bản pháp luật về thanh tra khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; đối tượng, nội dung thanh tra phải phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

 Sự tác động này bắt nguồn từ mối quan hệ giữa thanh tra và quản lý nhà nước. Bởi vì đối tượng thanh tra cũng là đối tượng quản lý, nội dung thanh tra phụ thuộc vào nội dung quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên đối tượng, nội dung thanh tra rộng hay hẹp phụ thuộc vào nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước. Thanh tra nhà nước các cấp, thanh tra ngành, lĩnh vực đều là cơ quan của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ do luật định. Do vậy, dù muốn hay không thì Thanh tra phải chịu sự chi phối, chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý. Trong hoạt động thanh tra, về nguyên tắc, người có trách nhiệm, người quyết định cuối cùng trong việc xử lý kết quả thanh tra vẫn là thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

* Thiết lập 2 vòng kiểm soát hành pháp

Nguyên tắc hoạt động của cơ quan giám sát là: “Tất cả đều liên quan đến nhau”, để “không có người ăn hại mà trách nhiệm lại có nới quy kết, khiến cho quan to, quan nhỏ đều ràng buộc với nhau, chức trọng, chức khinh cùng kiềm chế nhau. Uy quyền không bị lạm dụng, thế nước vậy là khó lay. Hình thành thói quen giữ đạo lý, theo pháp luật mà dứt bỏ tội lỗi khinh nhân nghĩa, phạm ngục hình...” [6,454-455].

Ví như thời Hồng Đức, ở trung ương, ngoài bộ Hình giữ chức năng tư pháp thì 5 bộ còn lại hợp thành hệ thống cơ quan hành pháp ở trung ương. Các bộ này vừa bị kiểm soát bởi các Khoa, lại vừa chịu sự kiếm soát của Ngự sử đài; ở địa phương, các chức tham chính, tham nghị quản lý công việc hành chính trong toàn đạo, các cơ quan này chịu sự kiểm soát của Hiến sát sứ Ty và các quan Giám sát Ngự sử ở đạo. Mục đích kiểm soát toàn bộ hệ thống quan lại của vua Lê Thánh Tông là khá rõ ràng, có tính chất nhất quán. Nó giúp vua vẫn đảm bảo được việc kiểm soát trong khi không nhất thiết phải cáng đáng mọi công việc của triều đình. Nhờ có cơ chế kiểm soát quyền lực đó mà nhà vua có thể yến tâm trao quyền cho bề dưới, không sợ quyền lực trao quá nhiều khiến bề tôi có cơ hội lạm quyền, hoặc quyền lực trao quá ít khiến cho bề tôi không thể hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao phó.

Cụ thể, triều đình quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm của từng chức quan đồng thời nhấn mạnh yêu cầu quan lại tự giám sát lẫn nhau. Mỗi bộ phận phụ trách một việc, các bộ chịu sự giám sát của các khoa, công việc của các Đạo do các hiến ty giám sát, các quan lại chịu sự giám sát lẫn nhau, quan trên giám sát quan dưới. Lê Thánh Tông cho lập các quan phụ trách việc giám sát, kết hợp giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát đột xuất. Lấy chất lượng công việc để đánh giá năng lực quan lại; công việc bê trễ, sai sót thì có thể bị phạt.


Hiện nay, hệ thống hành pháp chỉ bị kiểm soát bởi một vòng quyền lực đó là hệ thống thanh tra (các hình thức giám sát của cơ quan quyền lực, và các phương thức kiểm soát từ bên ngoài được xem xét với tính chất khác), nhưng lại có mối quan hệ đồng cấp, cùng thuộc một cơ quan quản lý nhà nước chung (ví như thanh tra tỉnh với các Sở của UBND cấp tỉnh), cho nên rất khó để có thể kiểm soát tốt nếu như cơ quan thanh tra không được hoạt đông độc lập. Vì việc thiết lập cơ chế kiểm soát vòng trong vòng ngoài như các triều đại phong kiến sẽ hạn chế được tính bất cập của cơ chế một vòng khi có các kẽ hở pháp luật, cũng như có sự ràng buộc về tổ chức giữa các cơ quan. Vòng trong vẫn là vòng kiểm soát chính, vòng ngoài nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn những kẽ hở mà vòng trong chưa kiểm soát hết mà cũng tạo ra một cơ chế để kiểm soát chính các cơ quan giám sát, các “ngôn quan” (Đô ngự sử đài xét không công bằng thì cho phép Lục Khoa đàn hặc để trị tội)

Rõ ràng, chính hai yếu tố này đã mở rộng thêm quyền cho cơ quan giám sát thời bấy giờ, giúp cho người đứng đầu các cơ quan này chỉ hoạt động theo luật pháp, không bị chi phối bởi bất cứ hoạt động của của ai khác. Bên cạnh đó để tránh tình trạng lạm quyền do được giao quyền hành lớn, nhà nước phong kiến kiểm soát rất chặt chẽ quyền lực hành pháp thông qua vai trò chính yếu của hệ thống cơ quan giám sát từ trung ương đến địa phương.

Như vậy, kinh nghiệm để lại cho ngày hôm nay của các triều đại trong lịch sử cho thấy, muốn cơ quan thanh tra, giám sát hoạt động thực sự có hiệu quả, đúng ý đồ của nhà nước là thiết lập ra cơ quan thanh tra nhằm giám sát, kiểm tra hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức, thì bản thân cơ quan đó phải được tổ chức hoạt động độc lập, được giao quyền cân xứng với chức năng và nhiệm vụ của mình.

Tác giả: Lan Hương