Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Kinh nghiệm rút ra từ cách phòng chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam

 Phòng ngừa là biện pháp được chú trọng trước tiên

Thực tiễn cho thấy, nếu được thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sẽ có tác dụng lớn trong việc ngăn chặn ngay từ đầu những cơ hội, điều kiện để tham nhũng nảy sinh. Hay nói theo cách khác, phòng ngừa chính là việc ngăn chặn, tiêu diệt tham nhũng từ trong “trứng nước”. Do đó, những biện pháp này bao giờ cũng có hiệu quả to lớn, dài lâu. Phòng ngừa tốt sẽ đẩy lùi những mầm họa của tham nhũng. Lịch sử chỉ ra, giai đoạn thịnh trị chính là thời điểm các vương triều phong kiến thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tệ tham nhũng. Không phải ngẫu nhiên mà triều đại phong kiến lại đưa ra hàng loạt các giải pháp liên quan đến tuyển chọn, đào tạo và sử dụng quan lại từ mặt tài năng cho đến đức độ đồng thời giáo dục quan lại bằng cách tăng cường giáo huấn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tham nhũng... Tất cả những biện pháp đó đưa ra đều nhằm ngăn chặn những nguy cơ có thể nảy sinh ra tham nhũng. Đấy là kinh nghiệm rất quý báu mà cha ông đã để lại. Vì ngày nay, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều coi trọng các giải pháp phòng ngừa tham nhũng vì cho rằng đây là những giải pháp tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Xa xưa, các vị vua ý thức được để phòng ngừa hiệu quả, trước tiên cần đánh trực tiếp vào đối tượng có thể tham nhũng, đó chính là đội ngũ quan lại. Nay, chúng ta biết mặc dù phòng ngừa có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp, nhưng tiếp thu từ kinh nghiệm của cha ông đi trước, chúng ta cũng rất ý thức được mục tiêu của giải pháp phòng ngừa là làm cho mọi chủ thể trong xã hội, đặc biệt là những người thực thi quyền lực công không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng. Để đạt được mục tiêu này, kinh nghiệm cho thấy, những cách thức được sử dụng phổ biến nhất trong lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam đó là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tham nhũng và phòng chống tham nhũng; chú trọng công tác tuyển chọn, giáo dục, đào tạo và sử dụng đội ngũ quan lại; thực hiện chế độ lương bổng và đãi ngộ hợp lý.

Tạo sự độc lập của cơ quan giám sát và việc thiết lập các vòng kiểm soát lẫn nhau

* Tính độc lập của cơ quan giám sát

Các cơ quan giám sát thời phong kiến rất độc lập và được trao quyền hành rất lớn:

- Chế độ thanh tra, giám sát thời Lê Thánh Tông là chế độ độc lập, có thể báo cáo vượt cấp. Ví dụ, một quan Tri phủ mắc lỗi thì quan Hiến sát có quyền tâu hặc thẳng lên Ngự sử Đài hoặc trực tiếp lên Bộ Hình, thậm chí lên cả vua, không cần thông qua Giám sát Ngự sử. Triều đình sẽ cử ngay quan về điều tra, nếu quan Tri phủ có lỗi hoặc vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Cả quan Đô Ngự sử cũng có thể bị người khác tâu hặc nếu phạm lỗi.

Chế độ giám sát giúp cho triều đình phát hiện sớm và chính xác các vụ việc tiêu cực, đánh giá lại để kịp thời xử lý; đồng thời răn đe quan lại, để họ biết sợ pháp luật, phấn đấu thành vị quan tài giỏi, đức hạnh.

- Tính độc lập của cơ quan giám sát được tuyệt đối nhất là thời vua Minh Mạng. Ông quy định: Đô sát viện có quyền kiểm tra các cơ quan khác nhau và đàn hặc rộng rãi, trên từ hoàng thân, quốc thích, hoàng tử chư công, dưới đến bá quan văn võ. Đô sát viện là cơ quan được tổ chức độc lập, không chịu sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan nào ở triêu đình trung ương. Đô sát viện chỉ chịu sự điều khiển trực tiếp của nhà vua. Khi phát hiện các ngôn quan có quyền tâu thẳng lên vua. Ông nói: “Ngôn quan là tai mắt của triều đình. Từ hoàng thân quốc thích cho đến trăm quan nếu ai không giữ công bằng pháp luật, ngôn quan đều được quyền hặc tâu” [316]. Các đoàn kinh lược đại sứ được ông trao cho quyền “tiền trảm, hậu tấu”, nghĩa là thay mặt nhà vua giải quyết các công việc tại chỗ, sau đó mới phải báo cáo lại. Chính quyền hành rộng rãi và tính độc lập này đã tạo nên uy quyền thực sự cho các quan Ngự sự, giúp họ đánh giá xét xử quan lại khách quan đúng với công tội của từng lại, quan.

Trong khi đó, hiện nay hệ thống cơ quan thanh tra của nước ta vẫn hoạt động trong khuôn khổ bộ máy của thủ trưởng, của lãnh đạo; pháp luật về thanh tra chịu sự tác động rất lớn của các văn bản pháp luật quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính. Vì thế với cơ chế này rất khó có thể kiểm tra giám sát, khách quan và độc lập được, lúc này tính độc lập của hoạt động thanh tra chỉ là tương đối. Sự tác động của hệ thống hành chính đến cơ quan thanh tra thể hiện ở những mặt sau:

 - Cơ quan thanh tra được xác định là cơ quan chuyên môn, là một bộ phận cấu thành của bộ máy hành chính, cho nên cơ cấu, tổ chức của các các cơ quan trong bộ máy hành chính thay đổi sẽ dẫn đến sự thay đổi về vị trí, cơ cấu, tổ chức của cơ quan thanh tra. Vì vậy, các văn bản pháp luật về thanh tra phải quy định tổ chức thanh tra phù hợp với các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính.

 - Các cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Thông qua các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính mà cơ quan thanh tra xác định được đối tượng và nội dung thanh tra. Vì vậy, các văn bản pháp luật về thanh tra khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; đối tượng, nội dung thanh tra phải phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

 Sự tác động này bắt nguồn từ mối quan hệ giữa thanh tra và quản lý nhà nước. Bởi vì đối tượng thanh tra cũng là đối tượng quản lý, nội dung thanh tra phụ thuộc vào nội dung quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên đối tượng, nội dung thanh tra rộng hay hẹp phụ thuộc vào nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước. Thanh tra nhà nước các cấp, thanh tra ngành, lĩnh vực đều là cơ quan của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ do luật định. Do vậy, dù muốn hay không thì Thanh tra phải chịu sự chi phối, chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý. Trong hoạt động thanh tra, về nguyên tắc, người có trách nhiệm, người quyết định cuối cùng trong việc xử lý kết quả thanh tra vẫn là thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

* Thiết lập 2 vòng kiểm soát hành pháp

Nguyên tắc hoạt động của cơ quan giám sát là: “Tất cả đều liên quan đến nhau”, để “không có người ăn hại mà trách nhiệm lại có nới quy kết, khiến cho quan to, quan nhỏ đều ràng buộc với nhau, chức trọng, chức khinh cùng kiềm chế nhau. Uy quyền không bị lạm dụng, thế nước vậy là khó lay. Hình thành thói quen giữ đạo lý, theo pháp luật mà dứt bỏ tội lỗi khinh nhân nghĩa, phạm ngục hình...” [6,454-455].

Ví như thời Hồng Đức, ở trung ương, ngoài bộ Hình giữ chức năng tư pháp thì 5 bộ còn lại hợp thành hệ thống cơ quan hành pháp ở trung ương. Các bộ này vừa bị kiểm soát bởi các Khoa, lại vừa chịu sự kiếm soát của Ngự sử đài; ở địa phương, các chức tham chính, tham nghị quản lý công việc hành chính trong toàn đạo, các cơ quan này chịu sự kiểm soát của Hiến sát sứ Ty và các quan Giám sát Ngự sử ở đạo. Mục đích kiểm soát toàn bộ hệ thống quan lại của vua Lê Thánh Tông là khá rõ ràng, có tính chất nhất quán. Nó giúp vua vẫn đảm bảo được việc kiểm soát trong khi không nhất thiết phải cáng đáng mọi công việc của triều đình. Nhờ có cơ chế kiểm soát quyền lực đó mà nhà vua có thể yến tâm trao quyền cho bề dưới, không sợ quyền lực trao quá nhiều khiến bề tôi có cơ hội lạm quyền, hoặc quyền lực trao quá ít khiến cho bề tôi không thể hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao phó.

Cụ thể, triều đình quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm của từng chức quan đồng thời nhấn mạnh yêu cầu quan lại tự giám sát lẫn nhau. Mỗi bộ phận phụ trách một việc, các bộ chịu sự giám sát của các khoa, công việc của các Đạo do các hiến ty giám sát, các quan lại chịu sự giám sát lẫn nhau, quan trên giám sát quan dưới. Lê Thánh Tông cho lập các quan phụ trách việc giám sát, kết hợp giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát đột xuất. Lấy chất lượng công việc để đánh giá năng lực quan lại; công việc bê trễ, sai sót thì có thể bị phạt.


Hiện nay, hệ thống hành pháp chỉ bị kiểm soát bởi một vòng quyền lực đó là hệ thống thanh tra (các hình thức giám sát của cơ quan quyền lực, và các phương thức kiểm soát từ bên ngoài được xem xét với tính chất khác), nhưng lại có mối quan hệ đồng cấp, cùng thuộc một cơ quan quản lý nhà nước chung (ví như thanh tra tỉnh với các Sở của UBND cấp tỉnh), cho nên rất khó để có thể kiểm soát tốt nếu như cơ quan thanh tra không được hoạt đông độc lập. Vì việc thiết lập cơ chế kiểm soát vòng trong vòng ngoài như các triều đại phong kiến sẽ hạn chế được tính bất cập của cơ chế một vòng khi có các kẽ hở pháp luật, cũng như có sự ràng buộc về tổ chức giữa các cơ quan. Vòng trong vẫn là vòng kiểm soát chính, vòng ngoài nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn những kẽ hở mà vòng trong chưa kiểm soát hết mà cũng tạo ra một cơ chế để kiểm soát chính các cơ quan giám sát, các “ngôn quan” (Đô ngự sử đài xét không công bằng thì cho phép Lục Khoa đàn hặc để trị tội)

Rõ ràng, chính hai yếu tố này đã mở rộng thêm quyền cho cơ quan giám sát thời bấy giờ, giúp cho người đứng đầu các cơ quan này chỉ hoạt động theo luật pháp, không bị chi phối bởi bất cứ hoạt động của của ai khác. Bên cạnh đó để tránh tình trạng lạm quyền do được giao quyền hành lớn, nhà nước phong kiến kiểm soát rất chặt chẽ quyền lực hành pháp thông qua vai trò chính yếu của hệ thống cơ quan giám sát từ trung ương đến địa phương.

Như vậy, kinh nghiệm để lại cho ngày hôm nay của các triều đại trong lịch sử cho thấy, muốn cơ quan thanh tra, giám sát hoạt động thực sự có hiệu quả, đúng ý đồ của nhà nước là thiết lập ra cơ quan thanh tra nhằm giám sát, kiểm tra hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức, thì bản thân cơ quan đó phải được tổ chức hoạt động độc lập, được giao quyền cân xứng với chức năng và nhiệm vụ của mình.

Tác giả: Lan Hương 

0 comments:

Đăng nhận xét