Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật kinh nghiệm từ cách phòng chống tham nhũng thời phong kiến

 Đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật

Mạnh Tử có một câu rất nổi tiếng: “Không có lễ nghĩa thì trên dưới đều loạn. Không có pháp luật thì của dùng không đủ”. Ngay từ năm 1919, bác Hồ cũng đã khẳng định: “Trăm điều cần phải có thần linh pháp quyền”. Như vậy, trong bất kỳ một xã hội nào, hệ thống pháp luật bao giờ cũng là nền tảng và cơ sở để ràng buộc và phát triển các mối quan hệ xã hội.

Vua Lê Thánh Tông đã từng cho rằng: “Trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Đặt ra pháp luật là trên để răn dạy quan lại, dưới là để dân chúng trăm họ biết mà thực hiện. Mọi sự rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn về kỷ cương. Trong một xã hội, nếu xã trưởng ỷ thế, cậy quyền, trong một huyện nếu huyện trưởng coi thường phép nước và trên hết nếu vua tự mình phá bỏ luật lệ thì đất nước sẽ lâm nguy” [13,292].

Chính vì thế mà, các triều đại phong kiến của Việt Nam coi pháp luật là công cụ chính, hiệu quả (nhưng không phải là duy nhất) trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Kinh nghiệm rút ra là tính thực thi của pháp luật phong kiến rất được các vị vua quan tâm và chú ý bằng việc xử nghiêm các hành vi tham nhũng lớn nhỏ.

Một là tất cả các hành vi tham nhũng đều bị nghiêm trị thích đáng, không phân biệt chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là ai, là dòng dõi hoàng tộc, hoàng thân cốt thích hay là quan đại thần của triều đình, tất cả quan lại từ trung ương đến địa phương từ tể tướng cho đến viên lại, từ người đang đương chức đến người đã về hưu, hễ có hành vi tham tang đều bị xử lý. Ngoài ra, phương châm chống tham nhũng của các triều đại phong kiến được đáng học hỏi ở tinh thần làm từ trên xuống dưới. Cuộc đấu tranh này chỉ có hiệu quả khi sử dụng tổng hợp các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Vì thế, phương châm chống tham nhũng của các triều đại phong kiến đáng được học hỏi ở tinh thần làm từ trên xuống dưới. Càng quan lại đầu triều càng phải xử nghiêm để làm gương từ trên xuống dưới.

Hai là để cho người nhà nhận hối lộ thì quan lại đương nhiệm cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.

Trường hợp của Nguyễn Quý Đức (1648 - 1720) là tể tướng đứng đầu bách quan trong hơn 10 năm nhưng không để ý để người nhà nhận hối lộ mà vẫn bị giáng chức vào năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa (1696)... Điều này có nghĩa tích cực trong việc tăng trách nhiệm của quan lại, không chỉ chú ý tới hành vi của mình, mà còn phải chú ý đến hành vi của người thân, nếu để tội tham nhũng xảy dù là không phải bản thân vị quan đó thực hiện thì thì trách nhiệm cũng không thể chối bỏ.

Ba là quan lại có hành vi chiếm đoạt của công, nhận hối lộ hoặc sử dụng lãng phí của công bị phạt tiền gấp đôi so với số tiền nhận được, chiếm được hoặc do lãng phí gây ra.

 Điều 138 Hoàng Việt Luật lệ quy định: Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ (...) những tiền ăn hối lộ xử phạt gấp đôi nộp vào kho; điều 560: Lãng phí của công (…) thì phải bồi thường gấp đôi… Đây là phương pháp xử lý luôn hướng tới triệt tiêu tài sản có được từ tham nhũng, không những vậy, với nguyên tắc bồi thường gấp đôi số tài sản tham nhũng còn có ý nghĩa răn đe quan lại để họ không dám tham nhũng. Như vậy, đánh vào kinh tế của đối tượng vi phạm luôn là một biện pháp mang hiệu quả cao.

Một quy định rất hay, đó là quy định về xử phạt đối với việc sử dụng lãng phí của công cũng bị xử phạt rất nghiêm khắc: Lãng phí của công (…) thì phải bồi thường gấp đôi;…Cái mà hiện nay chúng ta hô hào rất lớn rằng: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhưng tiêu chí nào được đưa ra để xử những hành vi được coi là lãng phí (trừ khi lãng phí đó thật là lớn, có yếu tố hình sự). Khi mà lãng phí len lỏi vào khắp các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, bắt đầu từ những hành động rất nhỏ ( không tắt điều hòa, điện trước khi rời cơ quan...) cho đến những hành vi làm thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỷ đồng...

Bốn là quan về hưu vẫn bị đem ra xử về tội tham nhũng. Đây có thể coi là tiến bộ rất lớn về mặt nhận thức trong cách thức phòng chống tham nhũng của các triều đại phong kiến.

Điều 112 của Bộ Hoàng Việt luật lệ quy định: “Những người phạm tội khi đương chức, sau khi già về hưu mới phát hiện ra vụ việc thì vẫn phải chịu trách nhiệm với hình thức luận tội khi đương chức. Nếu quá tuổi già và đang bị bệnh yếu không thể ngồi giam được thì có thể chiếu cố thay bằng trưng thu các loại tài sản nộp thế”.

Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành của Việt Nam chưa thấy có bất cứ một điều luật cụ thể nào nào quy định về việc xử lý hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức sau khi về hưu (trừ điều luật quy định về nguyên tắc xử lý tham nhũng, quy định có xử lý đối với hành vi tham nhũng của người đã về hưu (Điều 9 Luật Phòng chống tham nhũng), nhưng chưa có bất cứ một điều luật nào tiếp theo đó được cụ thể hóa, và trên thực tế cũng chưa có bất kì hành động nào được thực hiện để tuân thủ quy định đó.

Trong Luật Cán bộ, công chức 2010 thấy có quy định rằng: Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài (điều 19). Chính vì thế mà hiện tượng “tranh thủ kiếm chác” của quan chức  trước khi về hưu là điều thường xuyên xảy ra. Vì họ cho rằng khi đã về “vườn” thì sẽ khó có thể gây ảnh hưởng đối với người khác, và khi đã “hạ cánh an toàn” rồi thì cũng sẽ chẳng còn ai điều tra làm gì nữa.

Năm là chỉ cần tham nhũng nhỏ cũng bị xử phạt thật nặng, đồng thời kiên quyết xử tử hình đối với tội phạm tham nhũng lớn.

Những hình phạt đối với tội tham nhũng khá đầy đủ, từ nhẹ đến nặng. Các vị vua của phong kiến cho rằng, hành vi tham nhũng được coi là một tội ác, do đó không thể nâng tay, dù người thực hiện hành vi đó là người có công rất lớn đối với vua và triều đình. Chỉ cần ăn đút lót 1 lượng đến 5 lương phạt 80 trượng, 10 lượng phạt 90 trượng, 10 - 15 lượng phạt 100 trượng... còn nếu là 80 lượng đúng, phạt treo cổ (Hoàng Việt luật lệ)

Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định có thể phạt tử hình đối với những hành vi sau (theo bộ luật hình sự hiện hành):

- Hành vi tham ô thuộc một trong các trường hợp: chiếm đoạt tài sản có giá trị 500 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác;

- Nhận hối lộ một trong các trường hợp sau: của hối lộ có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác;

Rõ ràng trong  số 12 hành vi mà Luật phòng chống tham nhũng 2005 quy định là hành vi tham nhũng thì theo Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 chỉ quy định 7 hành vi được coi là tội phạm có tính chất tham nhũng, bao gồm:

- Tham ô tài sản;

- Nhận hối lộ;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ;

- Lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi;

- Giả mạo trong công tác


Và trong tất cả 7 hành vi đấy chỉ có 2 hành vi (như đã trình bày ở trên) là có thể bị mức phạt tử hình. Còn đối với tất cả các hành vi còn lại tùy mức nặng nhẹ, đa số là bị phạt tù không quá 20 năm. Có phải chúng ta đang quá coi thường tính chất nghiêm trọng mà các hành vi tham nhũng mang lại cho xã hội. Thiệt hại về vật chất mà hành vi tham nhũng tạo ra có thể lên tới con số hàng trăm nghìn tỉ đồng, nhưng có lẽ nó cũng chẳng thấm thoát vào đâu so với sự khuynh đảo cả một thể chế chính trị, sự sụp đổ của một nhà nước mà hệ quả của tham nhũng có thể tạo ra.

Việt nam từ khi giành độc lập sau vụ án của Trần Dụ Châu - Cục trưởng cục quân nhu, và Thứ trưởng Bộ Canh Nông Vũ Việt Hưng vì tội tham nhũng thì cho tới nay chưa có bất kỳ trường hợp nào bị xử tử hình vì tội này. Có phải từ đó tới nay, nước ta đã loại bỏ được tham nhũng, dẫu có, thì may chăng đó cũng chỉ những hành vi tham nhũng nhỏ ở mức khiển trách, kỉ luật. Nhưng thực tế thì không phải vậy, mặc dù, chặng đường từ năm 1945 cho tới nay cũng đã hơn nửa thế kỉ trôi qua, và ở Việt Nam đã có không ít các vụ tham nhũng lớn xảy ra, còn thiệt hại gấp bội lần so với hai vụ án nổi trước đó, đặc biệt là từ khi chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng càng nhiều với tính chất càng nghiêm trọng tinh vi. Nhưng hầu hết các vụ việc đều bị lờ đi, bị “giật giây” bởi một thế lực “ngầm” nào đó. Nếu vụ việc có bị phanh phui ra thì đó cũng chỉ là những vụ việc rất nhỏ, và được kết luận bởi những nguyên nhân rất khách quan, hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Vậy nên, kinh nghiệm ở đây, cái mà chúng ta thực sự rút ra được từ cách phòng chống tham nhũng của các triều đại phong kiến, đó là phải xử lý thật nghiêm các hành vi tham nhũng, dù là nhỏ nhất thì mới có tác dụng răn đe những người khác. Đặt vào hoàn cảnh Việt Nam ở hiện tại chúng ta thấy, suy cho cùng, các giải pháp xử lý nghiêm cũng nhằm vào việc ngăn ngừa các vi phạm sau xảy ra.

Tác giả: Lan Hương

0 comments:

Đăng nhận xét