Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Mức lương đảm bảo đời sống để đội ngũ quan lại thấy không cần phải tham nhũng

Đưa ra mức lương đảm bảo đời sống để đội ngũ quan lại thấy không cần phải tham nhũng

Nhìn lại cách làm này của các triều đại phong kiến, cho thấy các ông vua rất quan tâm đến chăm lo đời sống của quan lại bằng cách đặt ra chế độ lương bổng hợp lý cho đội ngũ quan lại, tùy thuộc vào tính chất công việc cũng như mức độ hoàn thành công việc được giao (Triều Nguyễn - ban đầu tiền dưỡng liêm được cấp hàng quý vào tháng đầu của quý: Tri phủ được 25 quan tiền, 25 phương gạo, tri huyện được 20 quan tiền, 20 phương gạo. nhưng từ năm 1838 trở đi tiền dưỡng liêm không cấp đồng loạt nữa mà được cấp ít nhiều tùy thuộc vào tính chất của từng phủ, từng huyện, tính chất công việc đảm nhiệm...), nhất là thường xuyên thưởng hậu cho những người đạt được công lớn.

Việc cấp bổng lộc và ruộng đất theo phẩm hàm và khối lượng công việc quan lại phải làm. Đây là việc làm hết sức khoa học, vừa khuyến khích quan lại tận tụy với công việc, không so bì vất vả với nhàn tản, vừa là trả công xứng đáng cho người lao động. Người làm quan vừa được đối xử công bằng mà nhà nước lại sử dụng đồng tiền một cách hợp lý. Như vậy, cách làm này có tác dụng khích lệ rất lớn đối với quan lại. Họ nghĩ rằng việc hưởng bổng lộc vua ban cho chính là chịu ơn nhà vua. Vì thế, họ không có tư tưởng tham nhũng và không cần phải tham nhũng.

Vua Minh Mạng khi bàn về cải cách tiền lương với hai cận thần là Trương Đăng Kế và Hà Duy Phiên rằng: “Lệ lương bổng của các quan văn, võ từ tứ, ngũ phẩm trở xuống dần dần giảm đi, đến nỗi có người tháng chỉ còn hơn một quan. Người ta ai cũng có vợ, có con, lương như vậy thì lấy gì mà chu cấp, nên bàn bạc mà tăng lên, trẫm thực không xẻn tiếc gì cả” [38,331]. “Trẫm nghĩ bọn người lương ít không đủ nuôi đức thanh liêm, nay đã được ngoại lệ gia ân thì các ngươi phải cố gắng” [38,15].

Không chỉ có lương bổng hợp lý mà các ông vua còn rất chú ý đến việc làm sao để duy trì lòng “thanh liêm” của quan lại, bằng cách cấp tiền dưỡng liêm để nuôi lòng thanh liêm của quan lại. Tiền dưỡng liêm có khi được cấp bằng với mức lương của họ. Vì thế, đã không ít quan lại phấn đấu giữ vững phẩm chất của mình để xứng với những “đồng tiền thanh liêm” mà vua ban cho.

Hiện nay, mặt bằng chung lương trả cho cán bộ, công nhân viên chức ở nước ta còn quá thấp (lương tối thiểu là 1.050.000 đồng), chưa đủ đảm bảo đời sống cho họ cũng như đảm bảo việc tái sản xuất sức lao động. Mặc dù, pháp luật quy định công chức được trả lương xứng đáng với nhiệm vụ được giao, tiền lương được tính theo ngạch bậc, tuy nhiên khối lượng công việc giữa các ngành nghề lại hoàn toàn khác nhau, và tăng ngạch bậc còn bị phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thâm niên... do đó, mức lương cũng chưa thật sự công bằng giữa các vị trí công việc. Ngoài ra, xét kinh nghiệm này ở hiện tại, thấy rõ điều kiện nước ta với bộ máy hành chính quá cồng kềnh, trong khi đó tiềm lực quốc gia không mạnh, thì việc tăng lương cao để đảm bảo mức sống cho cán bộ, công chức là rất khó.

Tác giả: Lan Hương

0 comments:

Đăng nhận xét