Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Cùng tìm hiểu về các hình thức của pháp luật


1. Khái niệm hình thức của pháp luật


Pháp luật cũng giống như mọi hiện tượng xã hội, có các hình thức thể hiện và hình thức tồn tại riêng. Trong khoa học pháp lý quan niệm: Hình thức của pháp luật là khái niệm dùng để chỉ ranh giới (giới hạn) tồn tại của pháp luật trong hệ thống các quy phạm xã hội, là hình thức biểu hiện của pháp luật, đồng thời cũng là phương thức tồn tại, dạng tồn tại thực tế của pháp luật.

Hình thức pháp luật gồm: hình thức bên ngoài (nguồn của pháp luật ) và hình thức bên trong của pháp luật (cấu trúc của pháp luật).


2. Hình thức bên ngoài của pháp luật


Khi nói đến hình thức bên ngoài của pháp luật là nói đến sự biểu hiện ra bên ngoài của pháp luật.

Dựa vào phương thức thể hiện ý chí của nhà nước thành pháp luật, ta có: Tập quán pháp, văn bản quy phạm pháp luật, tiền lệ pháp và những nguyên tắc của pháp luật tôn giáo. Có nước còn quan niệm cả tư tưởng, học thuyết khoa học pháp lý cũng có giá trị được áp dụng như pháp luật.

- Tập quán pháp là những tập quán hình thành và lưu truyền trong xã hội, phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị và được nhà nước thừa nhận, nâng chúng lên thành những quytắc xử sự chung và được nhà nước bảo đảm thực hiện.

Hình thức này được sử dụng rộng rãi trong pháp luật chủ nô và pháp luật phong kiến; nhà nước tư sản và pháp luật xã hội chủ nghĩa ngày nay tuy có sử dụng nhưng ở phạm vi hẹp. Việt Nam chúng ta trước đây không thừa nhận hình thức này, nhưng hiện nay Nhà nước cho phép áp dụng tập quán nếu tập quán đó không trái với pháp luật và đạo đức tiến bộ xã hội (ví dụ như quy định tại Điều 14 - Bộ luật Dân sự năm 1995, Điều 6 - Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000).

- Tiền lệ pháp là các quyết định của cơ quan hành chính hoặc xét xử được nhà nước thừa nhận là khuôn mẫu để giải quyết các vụ việc tương tự.

Hình thức này được sử dụng rộng rãi trong pháp luật chủ nô, pháp luật phong kiến và hệ thống pháp luật Ăng lô- xắc xông của các nước tư sản.

- Văn bản quy phạm pháp luật là những văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, trong đó có chứa đựng các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung được áp dụng nhiều lần trong thực tế cuộc sống. Ở mỗi quốc gia, căn cứ theo truyền thống và điều kiện cụ thể có những quy định cụ thể về tên gọi và hiệu lực pháp lý của từng văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng nhìn chung, trên thế giới ngày nay các văn bản quy phạm pháp luật chia làm 2 loại: văn bản luật và văn bản dưới luật.

- Luật tôn giáo là những quy tắc của tôn giáo được nhà nước thừa nhận và nâng lên thành pháp luật. Hình thức này được sử dụng rộng rãi trong nhà nước phong kiến. Ngày nay ở một số nước theo Đạo hồi kinh Cô ran được coi như một loại nguồn chủ yếu của pháp luật (một số nước ở Trung đông như Ả rập saudi...).


3. Hình thức bên trong của pháp luật


Hình thức bên trong của pháp luật là hình thức cấu trúc của pháp luật. Pháp luật có các bộ phận cơ cấu, bao gồm: quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật.

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận. Quy phạm pháp luật là tế bào của hệ thống pháp luật.

Chế định pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội cùng loại, đồng tính chất trong cùng một ngành luật. Chẳng hạn, Luật hôn nhân và Gia đình có các chế định: kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi, trách nhiệm giữa cha mẹ đối với con cái, con cái đối với cha mẹ...

Ngành luật là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội bằng những phương pháp điều chỉnh đặc thù riêng. Các ngành luật phân biệt với nhau bằng 2 tiêu chí: đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh, trong đó đối tượng điều chỉnh là tiêu chí chủ đạo. 


Việc phân chia hệ thống pháp luật thành các bộ phận cấu thành tuỳ thuộc những trường phái khoa học pháp lý khác nhau. Ở các nước xã hội chủ nghĩa và nước ta, hệ thống pháp luật được chia thành các ngành luật, chế định pháp luật; ở các nước tư sản thộc hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa pháp luật lại được chia thành luật công và luật tư.
 
Tham khảo các nội dung sau:

0 comments:

Đăng nhận xét