Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Tìm hiểu về nguồn gốc của pháp luật

1.Tính tất yếu khách quan của sự điều chỉnh các quan hệ xã hội


Xã hội là tổng hoà các mối quan hệ xã hội, vì vậy bất kỳ xã hội nào cũng cần tới sự quản lý để tạo lập trật tự xã hội. Để thiết lập ổn định, trật tự cho xã hội cần phải có sự điều chỉnh đối với các quan hệ xã hội. Sự điều chỉnh này là nhân tố bảo đảm cho những nhu cầu của các thành viên trong xã hội. Nói cách khác, sự điều chỉnh là phương tiện cần thiết để bảo đảm tính tổ chức của xã hội. 



Việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ được thực hiện dưới sự tác động của hệ thống các quy phạm xã hội tồn tại dưới dạng các quy phạm tập quán, tín điều tôn giáo trong xã hội ban đầu này. Quy phạm xã hội là quy tắc về hành vi của con người, nói cách khác đó là mô hình hành vi cho cách xử sự của con người. Các quy phạm xã hội này vẫn tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp.

Trong xã hội có giai cấp, có nhà nước, ngoài các quy phạm tập quán, đạo đức, tôn giáo, quy phạm về tổ chức xã hội... pháp luật nổi bật lên như là nhân tố hàng đầu, có vai trò đặc biệt trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. 

2. Sự ra đời của pháp luật


Trong lịch sử phát triển của loài người đã có thời kỳ không có pháp luật đó là thời kỳ xã hội cộng sản nguyên thuỷ. Trong xã hội này, để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập trật tự, ổn định cho xã hội, người ngyên thuỷ sử dụng các quy phạm xã hội, đó là các tập quán và tín điều tôn giáo. Các quy phạm xa hội trong chế độ cộng sản nguyên thuỷ có những đặc điểm :

- Thể hiện ý chí chung của các thành viên trong xã hội, bảo vệ lợi ích cho tất cả thành viên trong xã hội.

- Là quy tắc xử sự chung của cả cộng đồng, là khuôn mẫu của hành vi.

- Được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, dựa trên tinh thần hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, mặc dù trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ cũng đã tồn tại sự cưỡng chế nhưng không phải do một bộ máy quyền lực đặc biệt tổ chức nên, mà do cả cộng đồng tổ chức nên.

Những tập quán và tín điều tôn giáo lúc bấy giờ là những quy tắc xử sự rất phù hợp để điều chỉnh các quan hệ xã hội, bởi vì nó phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế - xã hội của chế độ cộng sản nguyên thuỷ, phù hợp với tính chất khép kín của tổ chức thị tộc, bào tộc, bộ lạc.

Khi chế độ tư hữu xuất hiện và xã hội phân chia thành giai cấp những quy phạm xã hội đó trở nên không còn phù hợp. Trong điều kiện xã hội mới xuất hiện chế độ tư hữu, xã hội phân chia thành các giai cấp đối kháng, tính chất khép kín trong xã hội bị phá vỡ, các quy phạm phản ánh ý chí và bảo vệ lợi ích chung không còn phù hợp. Trong điều kiện lịch sử mới xã hội đòi hỏi phải có những quy tắc xã hội mới để thiết lập cho xã hội một “trật tự”, loại quy phạm mới này phải thể hiện được ý chí của giai cấp thống trị, đáp ứng nhu cầu đó pháp luật đã ra đời.



Giai đoạn đầu giai cấp thống trị tìm cách vận dụng những tập quán có nội dung phù hợp với lợi ích của giai cấp mình, biến đổi chúng và bằng con đường nhà nước nâng chúng lên thành các quy phạm pháp luật. Ví dụ: Nhà nước Việt Nam suốt thời kỳ Hùng vương - An Dương Vương chưa có pháp luật thành văn, hình thức của pháp luật lúc bấy giờ chủ yếu là tập quán pháp.

Bên cạnh đó các nhà nước đã nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật. Bởi lẽ, nếu chỉ dùng các tập quán đã chuyển hoá để điều chỉnh các quan hệ xã hội thì sẽ có rất nhiều các quan hệ xã hội mới phát sinh trong xã hội không được điều chỉnh, vì vậy để đáp ứng nhu cầu này hoạt động xây dựng pháp luật của các nhà nước đã ra đời. Hoạt động này lúc đầu còn đơn giản, nhiều khi chỉ là các quyết định của các cơ quan tư pháp, hành chính, sau dần trở nên hoàn thiện cùng với sự phát triển và hoàn hiện của bộ máy nhà nước.

Như vậy pháp luật được hình thành bằng hai con đường: Thứ nhất nhà nước thừa nhận các quy phạm xã hội - phong tục, tập quán chuyển chúng thành pháp luật, thứ hai, bằng hoạt động xây dựng pháp luật định ra những quy phạm mới. 

Tham khảo nội dung:

0 comments:

Đăng nhận xét