Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Những vấn đề về đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay

Trong công cuộc CNH - HĐH đất nước hiện nay, để xây dựng thành công một xã hội nhân đạo, công bằng, bình đẳng, tất cả vì giá trị của con người, bên cạnh công cuộc cải cách bộ máy nhà nước còn cần thiết phải tiến hành đổi mới hệ thống chính trị.





Vấn đề đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị chiếm vai trò quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đổi mới. Đổi mới hệ thống chính trị đòi hỏi phải được tiến hành từ việc đổi mới từng thiết chế trong hệ thống, vì thế Văn kiện đại đội Đảng cộng sản Việt Nam lầ thứ IX đã xác định: “ Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ”[1], “Kiện toàn hệ thống tổ chức đảng gắn với cải cách, đổi mới tổ chức, bộ máy của các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội”.[21]

Đổi mới hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta phải được tiến hành trên cơ sở của những nguyên tắc sau:

Thứ nhất, việc đổi mới hệ thống chính trị không làm mất ổn định chính trị.

Thứ hai, đổi mới hệ thống chính trị nhằm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ cho nhân dân lao động.

Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản trên, hoạt động đổi mới hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa tiến hành trên các hướng cơ bản sau:



- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Để lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới, trước tiên, đòi hỏi Đảng phải tự đổi mới, chỉnh đốn đảng, đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn thể hệ thống chính trị. Để công cuộc đổi mới Đảng thu được thành công, Đảng cần phải khắc phục những yếu kém và khuyết điểm như trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ ra: “chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Một số tổ chức đảng ở các cấp chưa được chỉnh đốn; dân chủ bị vi phạm, kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, nội bộ không đoàn kết; chất lượng sinh hoạt đảng giảm sút. Công tác lý luận, công tác tư tưởng còn yếu kém, bất cập; công tác tổ chức, cán bộ còn một số biểu hiện trì trệ”.[1]Để khắc phục những yếu kém đã nêu ở trên Đảng cần hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn các tổ chức đảng, xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng, tăng cường công tác giáo dục chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội. Cần thiết phải phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước; xác định rõ Đảng không quản lý thay Nhà nước nhưng có quyền can thiệp vào công việc của Nhà nước thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng từ phía Nhà nước.

- Tăng cường hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước là một vấn đề không kém phần quan trọng trong hoạt động đổi mới hệ thống chính trị, bởi Nhà nước giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị. Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước chúng ta cần phải xây dựng nhà nước Pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo hướng: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật ”[2]

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên với vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân cũng phải được tiếp tục đổi mới để góp phần thực hiện nền dân chủ, bảo vệ lợi ích của nhân dân, góp sức xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Để làm được điều đó, các tổ chức cần mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân tham gia vào các tổ chức, đoàn thể . Tiếp tục đổi mới hình thức hoạt động, tránh tình trạng hành chính hoá, phô trương, hình thức, quan liêu, xa dân. Cần thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa các tổ chức với Đảng và Nhà nước; Nhà nước phải thể chế rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hoạt động của các đoàn thể với nhau và với cơ quan nhà nước.


[1] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội 2001, tr.144 

[2]Sách đã dẫn, tr. 145 

[1] Sách đã dẫn, tr. 138 

[2] Sách đã dẫn, tr 132
 
Tham khảo nội dung:

0 comments:

Đăng nhận xét