Hệ thống hoá pháp luật là hoạt động nhằm hoàn thiện pháp luật, đưa chúng vào một hệ thống nhất định.
Công tác hệ thống hoá pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng cho phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có sự nhìn nhận tổng quát đối với pháp luật hiện hành, phát hiện những điểm không phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và những lỗ hổng của hệ thống pháp luật để từ đó có biện pháp khắc phục, hoàn thiện.
Công tác hệ thống hoá pháp luật hướng tới các mục đích:
- Tạo ra một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cân đối, hoàn chỉnh, thống nhất trong đó các đạo luật đóng vai trò chủ đạo.
- Khắc phục tình trạng lỗi thời, mâu thuẫn và những lỗ hổng của hệ thống pháp luật.
- Làm cho nội dung pháp luật phù hợp với những yêu cầu của đời sống, có hình thức rõ ràng, dễ hiểu, tiện lợi cho việc sử dụng.
Khoa học pháp lý xã hội chủ nghĩa phân biệt 2 hình thức hệ thống hoá pháp luật, đó là tập hợp hoá và pháp điển hoá.
Tập hợp hoá là xắp xếp các văn bản quy phạm pháp luật, các quy phạm pháp luật riêng biệt theo một trình tự nhất định (theo cơ quan ban hành, theo thời gian ban hành, theo cấp độ hiệu lực pháp lý...). Hình thức hệ thống hoá này không làm thay đổi nội dung văn bản, không bổ sung những quy định mới mà chỉ nhằm loại bỏ những quy phạm đã hết hiệu lực hoặc rõ ràng là mâu thuẫn với văn bản cấp trên.
Pháp điển hoá là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó không những tập hợp các văn bản đã có theo một ttrình tự nhất định, loại bỏ những quy phạm lỗi thời, mâu thuẫn mà còn chế định thêm những quy phạm mới để thay thế cho các quy phạm đã bị loại bỏ và khắc phục những chỗ trống được phát hiện trong quá trình tập hợp văn bản, sửa đổi những quy phạm hiện hành, nâng cao hiệu lực pháp lý của chúng... Kết quả của công việc pháp điển hoá là một văn bản quy phạm pháp luật mới ra đời.
Đó là một bộ luật tương ứng với một ngành luật nhất định hay là một bản điều lệ tập hợp các quy phạm cho một lĩnh vực nhất định, trong đó các quy phạm pháp luật được xắp xếp lô gíc, chặt chẽ và nhất quán. Như vậy, khái niệm pháp điển hoá rất gần với khái niệm sáng tạo pháp luật. Công tác hệ thống hoá pháp luật không chỉ đơn thuần dựa trên những kiến thức pháp lý mà phải sử dụng cả những tri thức kinh tế, xã hội học, tâm lý học... Văn bản quy phạm pháp luật đã hệ thống hoá cần phản ánh được các nhu cầu xã hội, có cơ sở và bao quát được những quan hệ xã hội cần điều chỉnh, không mâu thuẫn với những văn bản quy phạm pháp luật khác.
0 comments:
Đăng nhận xét