Là một ngành khoa học xã hội, lý luận về nhà nước và pháp luật có đối tượng nghiên cứu riêng của mình. Việc nghiên cứu làm sáng rõ đối tượng nghiên cứu của khoa học lý luận về nhà nước và pháp luật có ý nghĩa quan trọng về nguyên tắc, bởi vì đối tượng nghiên cứu không chỉ nêu rõ những nội dung cơ bản của khoa học đó mà còn xác định cả khuynh hướng nghiên cứu và nhiệm vụ của nó, đưa ra cơ sở cho sự phân định sự khác biệt giữa khoa học này với khoa học khác.
Nhà nước và pháp luật là những bộ phận thuộc kiến trúc thượng tầng, có mối quan hệ mật thiết với những hiện tượng, bộ phận khác trong thượng tầng kiến trúc cũng như cơ sở hạ tầng, vì thế nó được nhiều ngành khoa học khác nhau nghiên cứu. Lý luận về nhà nước và pháp luật với tư cách là một ngành khoa học pháp lý nhất nghiên cứu đồng thời cả hai hiện tượng nhà nước và pháp luật.
Nhà nước và pháp luật là hai hiện tượng xã hội có quan hệ mật thiết, gắn bó lẫn nhau, tồn tại không thể thiếu nhau. Trong sự xuất hiện và phát triển, giữa nhà nước và pháp luật có mối quan hệ hữu cơ, chúng tạo thành hạt nhân chính trị - pháp lý của thượng tầng kiến trúc của xã hội, nhà nước tồn tại không thể thiếu pháp luật, bởi vì theo nghĩa chung nhất, nhà nước là một tổ chức có hệ thống cơ cấu nhân sự trên một trật tự pháp lý được hình thành từ những quy định của pháp luật. Và ngược lại, pháp luật là sản phẩm của quyền lực nhà nước, thể hiện ý chí hợp quy luật và điều kiện khách quan mà nhà nước nhận thức được, nhưng chính nhà nước lại phụ thuộc vào pháp luật xuất phát từ nguyên tắc xã hội hợp pháp.
Lý luận về nhà nước và pháp luật nghiên cứu nhà nước và pháp luật một cách toàn diện. Đối tượng nghiên cứu của nó là những vấn đề chung, khái quát và cơ bản nhất, như:
- Các khái niệm, phạm trù về nguồn gốc, bản chất, chức năng, hình thức, vai trò, giá trị xã hội của nhà nước và pháp luật.
- Hệ thống các tri thức chung về nhà nước và pháp luật trong lịch sử: nhà nước và pháp luật chiếm hữu nô lệ, nhà nước và pháp luật phong kiến, nhà nước và pháp luật tư sản.
- Hệ thống các tri thức chung của kiểu nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa. Từ thực tiễn nhà nước và pháp luật của các nhà nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là thực tiễn của nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hình thành những khái niệm, những phạm trù thể hiện các mặt khác nhau của nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Hệ thống các tri thức nói trên là các tri thức chung, giữ vai trò chủ đạo, làm nền tảng cho việc nghiên cứu các khoa học pháp lý chuyên ngành và khoa học pháp lý ứng dụng. Nó cũng là hệ thống tri thức lý luận cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước.
Tóm lại, đối tượng nghiên cứu của khoa học lý luận về nhà nước và pháp luật là những quy luật đặc thù của sự ra đời, hình thành, phát triển, những đặc tính chung và những biểu hiện quan trọng nhất của nhà nước và pháp luật.
0 comments:
Đăng nhận xét