Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

Lễ hội cướp phết tại xã Bàn Giản Lập Thạch Vĩnh Phúc

Bàn Giản là một xã thuộc huyện miền núi Lập Thạch, nơi tụ cư lâu đời của những người Việt cổ. Tại đây cứ đến ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân lại rộn ràng với lễ hội đả cầu cướp phết, một diễn tích có nguồn gốc từ tín ngưỡng phồn thực, thể hiện hào khí của những ngày toàn dân luyện binh đánh giặc và giữ nước còn rất đậm đà trong ký ức dân gian. Trong không khí đầm ấm của những ngày đầu Xuân, dường như đâu đâu ở Lập Thạch cũng đều nghe được những âm vang thôi thúc:

“… Con cháu đi đâu, ở đâu
Triệu Xuân cướp phết rủ nhau cùng về…”


KHỞI NGUỒN TỪ MỘT TRÒ CHƠI…

Tương truyền vào đời vua Hùng Vương thứ 3, đất nước gặp loạn lạc, giặc giã nổi lên ở nhiều nơi, nhà vua bèn giao cho các vị tướng lĩnh Đệ nhất là Xá Sơn, Đệ nhị là Lê Sơn, Đệ Tam là Tròn Sơn và Đệ tứ là Xui Sơn về trấn nhậm các miền Đông Lai, Bàn Giản, Lập Thạch để điều binh, trấn giặc, hộ quốc, phù dân… Các vị tướng đã lập nhiều chiến công, làm tròn sứ mệnh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và đồng thời xây dựng phát triển đất nước. Trong thời gian trấn nhậm, để rèn luyện sức khỏe và tài khéo cho quân lính, các vị tướng đã nghĩ ra một trò chơi khá gai góc, đó là đẽo gọt một quả cầu gỗ tròn nhẵn tựa quả bưởi lớn, bôi dầu mỡ cho trơn rồi lăn ra giữa bãi cho quân lính tranh cướp, ai giành được quả cầu đem về đặt nơi qui ước sẽ được tưởng thưởng.


Về sau, người dân làng Đông Lai đã lập bốn ngôi đình Đông Lai, Trụ Thạch, Ngọc Xuân, Vườn Đào để ghi nhớ công đức của bốn vị tướng này và thờ kính như thành hoàng. Trên mỗi ngôi đình đều có khắc tạc một quả cầu như hình ảnh nhắc nhở đến công lao của bốn vị tướng trong việc hộ quốc, phù dân. Dân làng còn định lệ cứ ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm lại mang quả cầu ra sân bãi mở hội, tái hiện trận địa xưa bằng trận đả cầu cướp phết đầy sinh động. Nhiều người dân tin rằng, trong dịp đầu năm mới nếu ai sờ được quả cầu thì sẽ gặp nhiều may mắn (!).

Đáng tiếc là trải qua thời gian với nhiều biến động của chiến tranh, các lễ hội truyền thống cũng dần bị mai một. Mãi đến năm 1993, cùng với việc một số di tích văn hóa địa phương được công nhận ở cấp quốc gia, một số phong tục tập quán như tục giã bánh Dầy, đánh đu, cờ người, đả cầu cướp phết… cũng được cổ súy, đặc biệt lễ thức “đả cầu cướp phết” tại đền Đông Lai (xã Bàn Giản - huyện Lập Thạch) được khôi phục đã thu hút nhiều người dân trong vùng tham gia, đem lại không khí háo hức mỗi độ Xuân về.


TỪ LỄ TẾ THÀNH HOÀNG…

Khởi nguồn từ trò chơi cướp cầu trong luyện binh ngày xưa, người dân địa phương đã biết tiếp thu và du nhập thành lễ thức trong tín ngưỡng phồn thực của nền văn minh lúa nước, vừa là diễn tích mang tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ… Việc cúng tế được quy định theo lệ làng với hai loại lễ vật không thể thiếu là cỗ bánh Dày được gọi là “Bạch từ bính” và cỗ gà thiến hay cỗ hàn âm được gọi là “cỗ Ông Gà”.



Làng Đông Lai xưa có 4 giáp và theo lệ làng, mỗi giáp được cấp 2 sào ruộng công dành riêng cấy lúa nếp, dùng hoa lợi để làm bánh Dầy phục vụ lễ tế. Mỗi vụ lúa trong giáp sẽ cử người cày, cấy, chăm sóc và thu hoạch. Gần đến ngày lễ, thóc dành riêng mới được đem ra xay giã. Gạo được chọn phải là gạo thật ngon, nhặt từng hạt kỹ lưỡng, được giã đến mức trắng xanh. Đến ngày làm bánh mới đem vo kỹ, đồ thành xôi chín rồi mới đem ra giã. Bánh được chuẩn bị từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 7 sẽ được đặt lên kiệu rước ra đình để tế lễ.


Riêng gà tế, các giáp sẽ cử người về Sơn Tây chọn mua giống gà Mía to, đẹp và nặng khoảng chừng 5 - 6kg. Mỗi giáp sẽ qua bỏ phiếu tín nhiệm chọn người và gia đình được chăn nuôi gà. Từ đây gà sẽ được gọi là “Ông Gà” và được nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt. Đến tối mùng 6, khi nghe đình làng gióng lên tiếng chiêng, trống hối thúc thì dân làng lại náo nức đi xem lễ “vật Ông Gà”. Đây là công việc thiêng liêng của cánh đàn ông và không có sự tham gia của nữ giới.

Sáng hôm sau, dân làng sẽ hội tụ để xếp lễ vật của mình vào kiệu và rước lên đình Công đồng dâng lễ Thánh. Mỗi giáp sẽ có 2 cỗ gà tế được gọi là “Ông Nhất” và “Ông Nhì”. Các cỗ gà tế xong sẽ được chấm giải. Tuy đây là những lễ vật rất bình dị trong sinh hoạt thường ngày nhưng lại hàm chứa những giá trị tinh thần rất sâu sắc của cộng đồng cư dân.



… ĐẾN LỄ THỨC ĐẢ CẦU CƯỚP PHẾT

Sau nghi thức tế lễ Thành hoàng, phần hội tiếp theo diễn ra khá sôi động với những trò chơi như bóng chuyền, cờ tướng, giã bánh Dầy, đu tiên, bịt mắt bắt dê… và hấp dẫn nhất vẫn là trò đả cầu cướp phết. Quả cầu có đường kính chừng 30cm, được làm bằng gỗ qúy; mồng phết là cây gậy làm bằng gốc tre cong, dài chừng 1,2m có trổ hình đầu ngựa. Hình thức cướp cầu bằng mồng phết là tượng trưng cho kỵ binh và cướp cầu bằng tay là tượng trưng cho bộ binh - cả hai hình thức đều được tổ chức đồng bộ và tiến hành song song.



Quả cầu và hai mồng phết được xếp lên kiệu Thánh đặt trước sân đình. Lúc này hàng vạn người dân đã tập trung tại sân đình để chờ đợi thời điểm quả cầu được tung ra. Trước khi diễn ra hội cướp cầu, các trai đinh trong trang phục truyền thống đứng thành hàng ngang trước kiệu Thánh. Ông Mệnh sẽ đánh một hồi trống dự báo, các trai đinh sẽ làm một số động tác trước kiệu Thánh theo từng nhịp trống gồm 5 bước: lễ 4 vái, vuốt tóc, ăn trầu, vắt hai tay lên vai, cầm mồng phết giơ cao reo hò chiến thắng…



Sau 3 hồi trống, chiêng, đoàn rước sẽ di chuyển đến vị trí sân hội, mở đầu là kiệu Thánh với hàng trăm trai đinh mặc trang phục nghi lễ khiêng kiệu và đi hộ tống, các thanh niên quần chúng sẽ đi theo sau. Đến giữa sân hội, ông Mệnh sẽ tung quả cầu, một trai đinh mặc áo nẹp, thắt đai đỏ phất cờ sai tượng trưng cho xung trận. Lúc này các thanh niên sẽ nhảy xô vào tranh cướp cầu, một rừng người chồng lấn xô đẩy giữa tiếng hò reo cổ vũ, tiếng giục giã của chiêng, trống, lệnh tạo nên sự huyên náo của một trận địa chiến.



Cuộc diễn tích toàn dân đánh trận kéo dài cả buổi chiều, các trai tráng ngưởi nào cũng dính đầy bùn đất nhưng vẫn rất hào hứng với tâm trạng của người trong cuộc. Người cướp được cầu và đem về bái yết trước cửa đình sẽ được làng trao thưởng. Tuy phần thưởng chỉ mang tính tượng trưng nhưng ai cũng tin rằng, cướp được cầu sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc và thành đạt trong cả năm. Chính vì vậy mà lễ hội thu hút hàng ngàn trai làng và người dân xa gần đến tham dự, ai cũng mong mình sẽ cướp được cầu hoặc chí ít cũng đụng tay vào được quả cầu như tìm gặp được điều may mắn…

● ● ●

Lễ hội đả cầu cướp phết tại Bàn Giản có một lịch sử khá dài lâu, là nét văn hóa độc đáo của một làng quê miền sơn cước. Người xưa đã biết thông qua một lễ thức mang tính tôn giáo để lồng vào đó ý thức đoàn kết, rèn đức, luyện tài, bên cạnh đó còn chủ ý hướng thiện với việc cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhà nhà yên vui, người người hạnh phúc… Đây quả là một triết lý nhân văn sâu sắc, góp phần đem lại niềm tin và sức sống cho cộng đồng trải qua bao thế hệ…

0 comments:

Đăng nhận xét