Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa là gì?

Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong quá trình thực hiện quyền quản lý xã hội đều ban hành một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật làm chuẩn mực chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực của đời sống quốc gia. Toàn bộ các quy phạm trong các văn bản đó không tồn tại một cách rời rạc mà có quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau, tạo thành một chỉnh thể thống nhất- một hệ thống. Với tư cách là một hệ thống pháp luật ở mỗi quốc gia được xắp xếp theo một trật tự rất chặt chẽ do những yếu tố khách quan quyết định.

Tính thống nhất của các quy phạm pháp luật quy định hệ thống pháp luật có các đặc điểm:

- Các quan hệ xã hội diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống xã hội được các quy phạm pháp luật điều chỉnh luôn có tính thống nhất, hài hoà. Bởi lẽ, bản thân đời sống xã hội có tính thống nhất, có sự gắn bó, quan hệ tương tác giữa các lĩnh vực hoạt động. Tính chất đó sẽ quy định sự điều chỉnh pháp luật phải bảo đảm tính thống nhất, khách quan.


Tính thống nhất của hệ thống pháp luật phụ thuộc vào sự phân cấp giữa các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước các cấp ban hành, văn bản luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, các văn bản khác được ban hành trên cơ sở luật và để thi hành luật.

- Hệ thống pháp luật với tư cách là một hệ thống được chia ra thành những bộ phận cấu thành là các ngành luật, chế định pháp luật. Đặc điểm này là tất yếu bởi vì: tổng thể các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh bao gồm nhiều lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực như thế lại có những nhóm quan hệ xã hội có tính độc lập tương đối với nhau. Chính sự hình thành những lĩnh vực và nhóm quan hệ xã hội đã quy định sự phân chia hệ thống pháp luật ra các bộ phận cấu thành.



- Sự hình thành các bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật được quy định bởi thực tế khách quan. Không thể đặt ra, xắp xếp các quy phạm pháp luật, các chế định pháp luật, ngành luật một cách chủ quan, không tính đến hoặc không nghiên cứu đầy đủ các quan hệ xã hội đã quy định sự phân chia hệ thống pháp luật ra các bộ phận cấu thành.

Từ sự phân tích trên có thể đi đến định nghĩa: Hệ thống pháp luật là cơ cấu bên trong của pháp luật được quy định một cách khách quan bởi các điều kiện kinh tế - xã hội, biểu hiện ở sự phân chia hệ thống ấy thành các bộ phận cấu thành khác nhau, phù hợp với những đặc điểm, tính chất của các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh, nhưng các bộ phận khác nhau ấy có mối quan hệ qua lại chặt chẽ và thống nhất với nhau.

0 comments:

Đăng nhận xét