Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Hình thức pháp luật xã hội chủ nghĩa là gì?

1. Khái niệm hình thức pháp luật xã hội chủ nghĩa


Pháp luật có những hình thức biểu hiện ra bên ngoài đặc thù của mình, đó là những nguồn của pháp luật. Hình thức pháp luật nói chung được hiểu là cách thức mà giai cấp thống trị sử dụng để thể hiện ý chí của giai cấp mình thành pháp luật. Trong lịch sử có 3 hình thức được giai cấp thống trị sử dụng để nâng ý chí của mình thành pháp luật là: tập quán pháp, tiền lệ pháp, văn bản quy phạm pháp luật.

Pháp luật xã hội chủ nghĩa có bản chất khác hẳn với bản chất của các kiểu pháp luật trước đó, vì vậy, nó cũng đòi hỏi phải có những hình thức thể hiện phù hợp với bản chất đó.


Tập quán pháp về nguyên tắc không phù hợp với pháp luật xã hội chủ nghĩa vì nó ít biến đổi và mang tính cục bộ. Đối với những tập quán và truyền thống tốt đẹp nhà nước xã hội chủ nghĩa vẫn thừa nhận nhưng sự thừa nhận đó được thể hiện bằng cách thể chế hoá chúng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Việt Nam chúng ta, về cơ bản cũng không thừa nhận tập quán pháp. Trong giai đoạn trước, tập quán pháp hoàn toàn không được sử dụng. Tuy nhiên, do sự đa dạng của các quan hệ xã hội, vì vậy những tập quán có nội dụng phù hợp với những nguyên tắc đạo đức tiến bộ và không trái với pháp luật được thừa nhận để bổ sung cho pháp luật. Chẳng hạn Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không thoả thuận, thì có thể áp dụng tập quán hoặc quy định tương tự của pháp luật, nhưng không được trái với nguyên tắc quy định trong Bộ luật này”. Cũng trên tinh thần đó, Điều 6 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 ghi nhận: “Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những quy định tại luật này thì được tôn trọng và phát huy”.

Tiền lệ pháp là hình thức nhà nước thừa nhận các quyết định của cơ quan hành chính hoặc cơ quan xét xử cấp trên khi giải quyết các vụ việc cụ thể, làm cơ sở để áp dụng đối với các trường hợp tương tự.



Hình thức này xuất phát từ hoạt động của cơ quan hành pháp và tư pháp, vì vậy, nếu không có một cơ chế minh bạch để kiểm soát nó dễ tạo ra sự tuỳ tiện, lạm quyền từ phía các nàh chức trách và các cơ quan chức năng, ảnh hưởng tới tính thống nhất của pháp luật, không phù hợp với nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa là tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp và Luật. Do đó tiền lệ pháp cũng không được coi là một hình thức của pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa chưa thể hoàn chỉnh trong một thời gian ngắn. Đứng trước những yêu cầu cấp bách cần phải giải quyết ngay một số vụ việc cần thiết, trong nhà nước xã hội chủ nghĩa vẫn còn sử dụng hình thức này với những dạng mới, ví dụ: Tổng kết quá trình giải quyết một số vụ việc cụ thể, điển hình để đề ra đường lối hướng dẫn giải quyết các vụ việc tương tự khi còn thiếu pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật, hình thức pháp luật tiến bộ nhất, là hình thức cơ bản của pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có các quy tắc xử sự chung, được nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa và được áp dụng nhiều lần trong thực tế đời sống.

Từ định nghĩa trên rút ra những nhận xét sau:

- Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nghĩa là chỉ có những văn bản nào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo luật định) ban hành mới có thể là văn bản quy phạm pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa đựng các quy tắc xử sự chung (các quy phạm pháp luật). Điều này để phân biệt với những văn bản mặc dù có ý nghĩa pháp lý nhưng không chứa đựng các quy tắc xử sự chung thì cùng không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ: Lời kêu gọi, lời hiệu triệu, thông báo, tuyên bố của nhà nước xã hội chủ nghĩa ... mặc dù có ý nghĩa pháp lý nhưng không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

- Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng nhiều lần trong đời sống, trong mọi trường hợp. Khi có sự kiện pháp lý xảy ra văn bản quy phạm pháp luật lại được áp dụng.

- Tên gọi, nội dung và trình tự ban hành các loại văn bản quy phạm pháp luật được quy định cụ thể trong pháp luật.

2. Các loại văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam


Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam theo Hiến Pháp 1992 và Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực từ ngày 1-1-1997, sửa đổi, bổ sung năm 2002) bao gồm:

- Văn bản do Quốc Hội ban hành: Hiến pháp, Luật, Nghị quyết.

- Văn bản do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành: Pháp lệnh, Nghị quyết.

- Văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam ban hành để thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc Hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Căn cứ vào trình tự ban hành và giá trị pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật được chia ra thành 2 loại là các văn bản luật và văn bản dưới luật.


2.1. Các văn bản luật


Văn bản luật là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước ban hành.

Trình tự, thủ tục và hình thức của văn bản luật được quy định tại các Điều: 84, 88 và 147 của Hiến pháp năm 1992 Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các văn bản này có giá trị pháp lý cao nhất. Mọi văn bản khác (văn bản dưới luật) khi ban hành đều phải dựa trên cơ sở của văn bản luật và không được ttrái với các quy định trong văn bản đó.

Văn bản Luật có các hình thức là Hiến pháp và luật.

- Hiến pháp (bao gồm Hiến pháp và các Đạo luật về bổ sung hay sửa đổi Hiến pháp). Hiến pháp quy định những vấn đề cơ bản nhất của Nhà nước như: Hình thức và bản chất của Nhà nước, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hệ thống tổ chức, nguyên tắc hoạt động và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước. Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Hiến pháp là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác đều phải phù hợp với các quy định của Hiến pháp.

Luật (bộ luật, luật), nghị quyết của Quốc hội có chứa đựng các quy phạm pháp luật là những văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành để cụ thể hoá Hiến pháp, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực hoạt động của nhà nước.

Các luật và nghị quyết của Quốc hội có giá trị pháp lý cao (chỉ sau Hiến pháp), vì vậy khi xây dựng các văn bản dưới luật phải dựa trên cơ sở các quy định thể hiện trong văn bản luật, không được trái với các quy định đó.

2.2. Các văn bản dưới luật


Văn bản dưới luật là những văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức được pháp luật quy định.

Những văn bản này có giá trị pháp lý thấp hơn các văn bản luật, vì vậy khi ban hành phải chú ý sao cho những quy định của chúng phải phù hợp với những quy định của Hiến pháp và luật.

Giá trị pháp lý của từng loại văn bản dưới luật cũng khác nhau, tuỳ thuộc vào thẩm quyền của các cơ quan ban hành chúng.

Theo Hiến pháp năm 1992 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hiện nay ở nước ta có những loại văn bản dưới luật sau:

- Pháp lệnh do Uỷ ban thường vụ quốc hội ban hành quy định những vấn đề được Quốc hội giao. Thẩm quyền ban hành Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ quốc hội được quy định trong Điều 91 và Điều 93 của Hiến pháp năm 1992.



- Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội được ban hành để giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, giám sát việc thi hành Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước khác.

- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước được ban hành để thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước do Hiến pháp, Luật quy định.

- Nghị định, nghị quyết của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

- Quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

- Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; quyết định, chỉ thị, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Thông tư liên tịch.

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp.

- Quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân các cấp.

3. Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật


3.1. Hiệu lực về thời gian


Hiệu lực về thời gian của văn bản quy phạm pháp luật được xác định từ thời điểm phát sinh cho đến khi chấm dứt sự tác động của văn bản đó.

Thời điểm phát sinh hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được xác định rất khác nhau, thông thường được thể hiện dưới 2 hình thức: Ghi rõ trong văn bản thời điểm phát sinh hiệu lực và không ghi rõ thời điểm đó. Những văn bản quy phạm pháp luật mà trong đó không ghi rõ thời điểm phát sinh hiệu lực cần chú ý tới đặc điểm riêng của từng loại văn bản. Đối với văn bản Luật, pháp lệnh, nghị quyết của Uy ban thường vụ Quốc hội thời điểm phát sinh hiệu lực được tính từ khi chúng được công bố chính thức bởi lệnh công bố của Chủ tich nước, trừ trường hợp văn bản đó quy định ngày có hiệu lức khác. Còn đối với các văn bản dưới luật thì việc xác định thời điểm phát sinh hiệu lực của chúng phải được xem xét cụ thể hơn, cụ thể: “Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước có hiệu lực kể từ ngày đăng Công báo, trừ trường hợp văn bản đó quy định ngày có hiệu lực khác” (Khoản 2, Điều 75, LBHVBQPPL); “Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các văn bản quy phạm pháp luật liên tịch có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo hoặc có hiệu lực muộn hơn nếu được quy định tại văn bản đó” ( Khoản 3, Điều 75). Tuy nhiên, cũng tại quy định này cho phép đối với các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, thì văn bản có thể quy định ngày có hiệu lực sớm hơn.

Văn bản quy phạm pháp luật có thể bị ngưng hiệu lực khi nó bị đình chỉ thi hành cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Văn bản bị ngưng hiệu lực sau thời gian bị đình chỉ thi hành có thể sẽ tiếp tục có hiệu lực hoặc sẽ hết hiệu lực khi nó bị huỷ bỏ (Điều 77).


Thời điểm chấm dứt hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật cũng được xác định theo các cách sau: Nếu trong văn bản đã ghi rõ thời hạn hiệu lực, thì đến thời điểm đã được xác định đó, văn bản sẽ chấm dứt hiệu lực của mình; Đối với các văn bản không có điều khoản xác định rõ điều đó thì nó chỉ bị chấm dứt hiệu lực toàn bộ hay một phần khi có một văn bản mới thay thế nó, hoặc có một số quy phạm mới được ban hành để thay thế một bộ phận quy phạm của nó; Bị huỷ bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp đối với văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của văn bản hết hiệu lực cũng đồng thời hết hiệu lực cùng với văn bản đó, trừ trường hợp được giữ lại toàn bộ hay một phần vì còn phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới.

Theo nguyên tắc chung, văn bản quy phạm pháp luật không có hiệu lực hồi tố (hiệu lực trở về trước). Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết có thể áp dụng hiệu lực hồi tố đối với một số quy phạm pháp luật chứ không đặt thành quy định chung với toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định tại Điều 76, Luật BHVBQPPL không được quy định hiệu lực hồi tố đối với các trường hợp:

a. Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý.

b. Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn hoặc hình phạt nặng hơn .

3.2.Hiệu lực về không gian: Giới hạn tác động về không gian của văn bản quy phạm pháp luật được xác định bằng lãnh thổ quốc gia hay địa phương hoặc theo một vùng nhất định.


Hiệu lực về không gian của văn bản quy phạm pháp luật được xác định theo hai cách cơ bản: Ghi rõ trong văn bản và không ghi rõ trong văn bản. Những văn bản không chỉ ra hiệu lực về thời gian thì phải dựa vào thẩm quyền và nội dung các quy phạm trong văn bản để xác định hiệu lực. Ví dụ, văn bản do Quốc hội hay Chính phủ ban hành có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc, trừ một số văn bản cụ thể cần xem xét nội dung để xác định hiệu lực của chúng. Các văn bản do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành chỉ có hiệu lực trên phạm vi lãnh thổ thuộc thẩm quyền của các cơ quan đó.

3.3.Hiệu lực về đối tượng áp dụng: Đối tượng tác động của văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: cá nhân, các tổ chức và những mối quan hệ mà văn bản đó cần phát huy hiệu lực.

Các văn bản quy phạm pháp luật thường xác định rõ đối tượng tác động, song trong một số trường hợp nhất định đối tượng tác động không được ghi rõ trong văn bản, vì vậy cần liên hệ với hiệu lực về thời gian, không gian để xem xét, đồng thời lưu ý những quy định của các văn bản có liên quan khác.

0 comments:

Đăng nhận xét