Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

Những căn cứ để phân loại quy phạm pháp luật

Có rất nhiều loại quy phạm pháp luật và cũng có rất nhiều cách để phân chia chúng.

1. Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh có thể phân chia quy phạm pháp luật thành các ngành luật: quy phạm pháp luật hình sự, quy phạm pháp luật hành chính, quy phạm pháp luật dân sự, quy phạm pháp luật kinh tế... Với cách tiếp cận này có thể chia quy phạm pháp luật thành những nhóm nhỏ hơn ngành luật như phân ngành luật hoặc chế định pháp luật.


2. Căn cứ vào nội dung của quy phạm pháp luật có thể chia quy phạm pháp luật thành: quy phạm pháp luật định nghĩa, quy phạm pháp luật điều chỉnh và quy phạm pháp luật bảo vệ.

Quy phạm pháp luật định nghĩa có nội dung giải thích, xác định một vấn đề nào đó hoặc nêu những khái niệm pháp lý.

Quy phạm pháp luật điều chỉnh có nội dung trực tiếp điều chỉnh hành vi của con người và hoạt động của các tổ chức (quy định quyền và nghĩa vụ cho cá nhân và tổ chức tham gia vào quan hệ đó).

Quy phạm pháp luật bảo vệ có nội dung xác định biện pháp cưỡng chế nhà nước liên quan đến trách nhiệm pháp lý.

3. Phụ thuộc vào hình thức mệnh lệnh nêu trong quy phạm pháp luật có thể chia quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật dứt khoát, quy phạm pháp luật không dứt khoát (quy phạm pháp luật tuỳ nghi) và quy phạm pháp luật hướng dẫn.


Quy phạm pháp luật dứt khoát là những quy phạm trong đó chỉ quy định một cách xử sự rõ ràng, chặt chẽ.

Quy phạm pháp luật không dứt khoát (tuỳ nghi) là những quy phạm trong đó nêu ra hai hoặc nhiều cách xử sự và cho phép chủ thể lựa chọn cho mình cách xử sự từ những cách đã nêu.

Quy phạm pháp luật hướng dẫn (nội dung của nó thường khuyên nhủ, hướng dẫn các chủ thể tự giải quyết một số công việc nhất định).

4. Phụ thuộc vào cách trình bày quy phạm pháp luật có thể chia quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật bắt buộc, quy phạm pháp luật cấm đoán và quy phạm pháp luật cho phép.

Quy phạm pháp luật bắt buộc quy định cho chủ thể nghĩa vụ phải thực hiện một số hành vi có lợi nhất định.

Quy phạm pháp luật cấm đoán quy định những hành vi không cho pháp chủ thể thực hiện.

Quy phạm pháp luật cho phép quy định cho chủ thể khả năng tự chọn cách xử sự (thường là những quy định về quyền và tự do của công dân).


Ngoài ra còn nhiều cách phân chia khác như:


Quy phạm pháp luật nguyên tắc là những quy phạm không trực tiếp điều chỉnh một loại quan hệ xã hội nào, không quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các chủ thể, chúng chỉ nêu những nguyên tắc cơ bản để xử sự chứ không nêu cách xử sự cụ thể.

Quy phạm pháp luật khen thưởng nêu những hình thức khen thưởng, động viên những chủ thể có hành vi đem lại lợi ích lớn cho xã hội.

Quy phạm pháp luật nội dung xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể pháp luật.

Quy phạm pháp luật hình thức xác định trình tự, thủ tục để các chủ thể thực hiện quyền, nghĩa vụ hay trách nhiệm của mình.

0 comments:

Đăng nhận xét