Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

Cách mạng Công nghiệp 4.0 có làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hay không?

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tới đây sẽ thải loại 85% người lao động trực tiếp tại khu vực Châu Á, và hơn 90% người lao động ở khu vực Châu Âu, Mỹ. Đây là một nguy cơ vô cùng lớn cho an sinh xã hội. [23]

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ có tác động lớn đối với mọi ngành, đơn cử với ngành dệt may có thể nhận thấy là: Tạo cơ hội thay thế công việc lặp đi lặp lại không cần kỹ năng, kinh nghiệm, công việc độc hại, dễ gây tai nạn...bằng máy móc công nghệ mới; Giúp giải quyết những khâu yếu trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam, tái cơ cấu lại ngành; Nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động; Nguy cơ đưa sản xuất về lại nước nhập khẩu tạo ra sức ép để tập trung vào khai thác và phục vụ thị trường nội địa trên 90 triệu dân với thu nhập và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của Việt Nam; Tạo sức ép để đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động.



Nhưng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng tạo ra mặt trái, nó làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với một số ngành thông dụng lao động như dệt may, da giày, đặc biệt là lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc.

Hàng chục triệu người có nguy cơ mất việc

Ngày 24/02/2017, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng tại các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam” do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức. Đại diện Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có GS.TS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch, TSKH. Phan Quang Trung và GS.TS. Trần Xuân Nhị - đồng Phó Chủ tịch Hiệp hội. Hội thảo cũng quy tụ nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu uy tín đến từ các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước. TSKH. Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết: “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng ngày càng lớn, đặc biệt là có nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Cùng với sự phát triển của hệ thống thực ảo (Cyber Physical System - CPS), nó đã và đang tạo ra nhiều loại robot có thể chiếm mất nhiều việc làm trước đây vốn chỉ dành cho con người”.



Năm 2016, McDonald’s tuyên bố sẽ xây mới thêm 25.000 nhà hàng với cơ chế hoạt động hầu như bằng robot. Thay vì quy mô 10-20 nhân viên như trước, nhà hàng mới sẽ chỉ cần 2-3 người để quản lý. Tháng 5/2016, Foxconn cũng gây sốc khi khẳng định sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay thế bằng robot. Ngân hàng Anh Quốc còn đưa ra một dự báo đáng lo ngại hơn là sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới tại riêng Anh và Mỹ. Con số này tương đương với 50% lực lượng lao động tại hai nước này. Không chỉ đe dọa tới việc làm của nhân công trình độ thấp, CPS còn ảnh hưởng lớn đến cả những người có bằng cấp (cao đẳng, đại học trở lên) [10].

Lao động “giản đơn” không còn cần thiết nữa

TS. Phạm Thị Ly (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cung cấp thông tin: Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2013, Mỹ có 4.762 trường đại học, cao đẳng với dân số 319 triệu. Tương đương tỉ lệ 1 trường/67 nghìn dân. Trong khi đó tại Việt Nam có 425 trường với 90 triệu dân, tỉ lệ 1 trường/212 nghìn dân. 1 số nước ASEAN như Malaysia, tỉ lệ này là 1 trường/55 nghìn dân. Như vậy, tỉ lệ người vào đại học, cao đẳng trên tổng số dân ở độ tuổi 18-22 của ta là rất thấp.


Không chỉ thế, những người có bằng đại học lẽ ra rất quý giá nhưng lại có hàng ngàn cử nhân thất nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phàn nàn không có đủ nhân sự làm việc cho mình. Điều đó chứng tỏ có khoảng cách giữa việc đào tạo của các trường đại học và những gì xã hội đòi hỏi. Theo đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra có thể nới rộng khoảng cách này bởi chất xám sẽ ngày càng quan trọng. Lao động giản đơn sẽ không còn cần thiết nữa. Điều này đặt ra thách thức vô cùng lớn với giáo dục nói chung và đào tạo đại học nói riêng. Nếu không chuẩn bị từ bây giờ, trong tương lai thế hệ con cháu của chúng ta, có nguy cơ bị thất nghiệp rất cao.


Chúng ta cần làm gì để tồn tại trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0?


Mặc dù giáo dục Việt Nam liên tục cải tiến trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu vẫn đi theo phương pháp truyền thống đã tồn tại hàng chục năm qua. Sinh viên tốt nghiệp ra trường còn rất yếu về việc tiếp thu và vận dụng kiến thức, thiếu sót trầm trọng về tư duy và kỹ năng. Đó là hệ quả tất yếu của việc giảng dạy thụ động, chỉ chú trọng cung cấp lý thuyết và đánh giá chủ yếu dựa trên điểm số.




Cách tốt nhất lúc này là phải thay đổi hoàn toàn phương pháp giáo dục, từ chỗ đào tạo những gì học thuật sẵn có, sang giảng dạy những kiến thức và kỹ năng mà thị trường cần. Nếu chỉ tập trung vào các kỹ năng cụ thể, nghề nghiệp cụ thể, thì con người mà chúng ta đào tạo ra sẽ không thể thích ứng được với yêu cầu của tương lai khi ra trường. Những gì họ học được trong trường sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu, không thể áp dụng được. Cho nên, các trường học phải tập trung vào việc phát triển tư duy, trau dồi khả năng học hỏi suốt đời, khả năng thích nghi với những yêu cầu của công việc.


Đặc biệt, nền Công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động trên thế giới. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra vào năm 2016 tại Thụy Sĩ, các nhà kinh tế và khoa học đã cảnh báo, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động, cũng như cơ cấu lao động. Nền kinh tế với trình độ tự động hóa cao và có tính sáng tạo, đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp.


Trong một số lĩnh vực, theo dự báo, với sự xuất hiện của Robot, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp. Một dự báo của Anh cho thấy, thị trường lao động của Mỹ và Anh sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới, tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này và ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam chắc cũng sẽ có tình trạng tương tự. [16]


Tại khu vực ASEAN, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) giúp thị trường lao động trong nội khối sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Tuy nhiên, do trình độ phát triển không đồng đều, nên hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối ASEAN chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn lại, hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng. Khảo sát của tổ chức Lao động Quốc tế tại 10 quốc gia ASEAN cho thấy, doanh nghiệp trong khối ASEAN hiện đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của AEC. [22, 10]

Một số vấn đề đặt ra đối với lao động Việt Nam

Về lĩnh vực giải quyết việc làm: Do lao động được thay thế bởi tự động hóa, robot thông mình, do vậy nó sẽ tác động trực tiếp đến các việc làm của các ngành mà Việt Nam đang có thế mạnh về lao động nhưng kỹ năng thấp như: dệt may, giày dép gia công, lắp ráp. Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế ILO công bố tháng 7/2016 cho thấy Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép ở nước ta có nguy cao mất việc dưới tác động của những đột phá về công nghệ. Dệt may và giày dép lại là các ngành đang tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có nhiều lao động ít kỹ năng, nhiều lao động nữ và một số không còn trẻ. Đây là đối tượng lao động có trình độ tay nghề và chuyên môn còn hạn chế, khó thích ứng linh hoạt với môi trường công việc mới vượt ra khỏi ngành, lĩnh vực có tính chất cố định, dẫn đến một quá trình điểu chỉnh rất khó khăn và có thể làm đảo ngược quá trình chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp, cản trở quá trình tăng tỷ trọng của khu vực chính thức trong nền kinh tế trong trường hợp nhân công không có việc để làm. Mặt khác, trong xu thế phát triển của kinh tế tri thức, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo mới là lợi thế. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế, đây cũng là một thách thức không nhỏ để nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới ở các quy mô doanh nghiệp ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế trong điều kiện xuất phát điểm phát triển của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước



Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế. Đặc biệt, nguồn lao động trẻ dồi dào là lợi thế lớn với Việt Nam, bởi đây là lực lượng có khả năng hấp thụ tốt nhất về khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, trong nền Công nghiệp 4.0 với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa, thì Việt Nam đứng trước nhiều vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể:


Một là, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp: Hiện nay, ở nước ta đang tồn tại hai cách tính khác nhau về lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, bao gồm từ đào tạo dưới 1 năm và từ trình độ sơ cấp trở lên. Trong khi đó, theo cách tính của Tổng cục Thống kê, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật là lao động có chuyên môn và có chứng chỉ trở lên. Với cách tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2015 cả nước có 28,05 triệu người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, chiếm 51,64% tổng lực lượng lao động. Vậy trên thực tế, theo cách tính của Tổng cục Thống kê, số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ có 10,56 triệu người, chiếm tỷ lệ thấp trong tổng lực lượng lao động (20,78%).

Năm 2015, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness)[1], Việt Nam được xếp hạng chung là 56, nhưng các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều. Cụ thể: Năng lực hấp thụ công nghệ xếp hạng 121; Mức độ phức tạp của quy trình sản xuất: 101; Chất lượng của các tổ chức nghiên cứu khoa học: 95; Giáo dục và đào tạo ở cấp sau phổ thông: 95.




Mới đây, Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) 2016 - 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thông báo các tiêu chí đánh giá của WEF được chia thành 3 nhóm chính gồm: Yêu cầu căn bản (gồm kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản - y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); Các yếu tố nâng cao hiệu suất (gồm giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ) và các yếu tố về sự tinh vi - đột phá của hệ thống doanh nghiệp (DN). Trong 3 nhóm này, Việt Nam được chấm điểm cao nhất ở Yêu cầu căn bản, với 4,5 điểm, xếp thứ 73. Một số tiêu chí khác cũng có sự cải thiện như thể chế, cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ hay giáo dục và đào tạo bậc cao.WEF đánh giá các nước trên thang điểm 7. Theo đó, điểm năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam năm nay được 4,31 - nhỉnh hơn so với 4,3 năm ngoái. Theo đó, năm 2016 Việt Nam xếp ở vị trí 60/138 nền kinh tế, so với vị trí 56/140 năm 2015. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore (2), Malaysia (25), Thái Lan (34), Indonesia (41) và Philippines (57). Trừ Singapore, các nước này đều tụt hạng so với năm ngoái. Có điểm số nhỉnh hơn năm ngoái nhưng Việt Nam lại xếp vị trí 60/138 nền kinh tế được WEF đánh giá, so với vị trí 56/140 năm 2015. Tuy tụt hạng song xu hướng chung là Việt Nam vẫn đang ngày càng cải thiện năng lực cạnh tranh.


Hai là, năng suất lao động thấp: Theo Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Phillippines và 48,8% của Indonesia. Nói cách khác, năm 2015, một người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam, một người Malaysia bằng gần 06 người Việt Nam, một người Thái Lan bằng gần 03 người Việt Nam và một người Philippines hay Indonesia cũng vẫn bằng hơn 02 người Việt Nam.


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2005 - 2015, mặc dù lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp có giảm, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Cụ thể, nông nghiệp giảm từ 55,09% năm 2005, xuống 45,19% năm 2015; lần lượt công nghiệp tăng từ 17,59 lên 21,78%; dịch vụ tăng từ 27,32% lên 33,03%. Cơ cấu này phản ánh cấu trúc “nông nghiệp” của nền kinh tế Việt Nam.

Ba là, tay nghề và các kỹ năng mềm khác còn yếu: Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến quý IV/2016, cả nước có 1.110.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó có 471.000 người có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 42,43%). Riêng tại 64 trung tâm dịch vụ việc làm do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã quản lý tổ chức được 336 phiên giao dịch việc làm với 780.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, nhưng mới có 242.000 lượt người nhận được việc làm.

Một phần nguyên nhân là do cơ cấu cung - cầu của thị trường lao động bất hợp lý nhưng một phần không nhỏ cũng là do lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Ngân hàng Phát triển Châu Á[2] (ADB) đưa ra bảng xếp hạng chỉ số năng suất sáng tạo năm 2014 của lao động ở 24 nước Châu Á, trong đó Việt Nam xếp thứ 16/24, thậm chí thấp hơn cả Lào và Indonesia.



[1] Báo cáo cạnh tranh toàn cầu là một bản tin hàng năm được xuất bản bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF - World Economic Forum), phát hành lần đầu vào năm 1979. Bản báo cáo năm 2016 – 2017 bao gồm 138 nền kinh tế chính và nổi bật. Báo cáo này “nhằm đánh giá khả năng cung cấp mức độ thịnh vượng cao hay thấp đối với dân chúng ở mỗi quốc gia, trong đó có công bố “chỉ số cạnh tranh quốc gia” (GCI - Global Competitiveness Index) nhằm đo lường khuynh hướng của các thế chế, chính sách, những nhân tố tạo thành trạng thái hiện thời & những mức giới hạn về trạng thái thịnh vượng kinh tế”.

[2] Ngân hàng Phát triển châu Á (tiếng Anh: The Asian Development Bank; viết tắt: ADB) là một thể chế tài chính đa phương cung cấp các khoảng tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các nước châu Á xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. ADB được thành lập vào năm 1966, có trụ sở chính tại Manila, và chủ tịch là một người Nhật Bản.

0 comments:

Đăng nhận xét