Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Đánh giá biện pháp phòng chống tham nhũng của các triều đại phong kiến

Ưu điểm biện pháp phòng chống tham nhũng của các triều đại phong kiến

Thứ nhất, các triều đại chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa đi đối với chống.

Điều này thể hiện rất rõ ở việc lần lượt các triều đại, nhất là các triều đại Lê, Nguyễn về sau, đặc biệt coi trọng việc tuyển chọn quan lại bằng con đường thi cử, lấy tiêu chuẩn tài - đức làm tiêu chí chọn lựa, không câu nệ vào nguồn gốc xuất thân của kẻ tài và đề cao đức thanh liêm của người làm quan. Đồng thời, tổ chức thi cử chặt chẽ, quy định đề cử một cách nghiêm ngặt. Những việc làm này đã ngăn chặn từ trong “trứng nước” những “mầm mống” của sự lộng quyền, tham nhũng, nhũng loạn.

Thứ hai, các triều đình phong kiến đã ý thức được chủ thể có điều kiện để tham nhũng là quan lại, nên đã sớm có các biện pháp cơ bản tập trung vào đội ngũ này. Từ việc chọn lựa quan lại cho đến việc hình thành cơ quan rồi hệ thống giám sát quan lại, thực hiện chế độ khảo công. Đây là nhóm giải pháp chính để có thể phòng chống tham nhũng thời bấy giờ.

Thứ ba, các vị vua coi pháp luật là công cụ chủ yếu và quan trọng nhất để nghiêm trị những kẻ có hành vi tham nhũng. Không chỉ thế còn xử lý nghiêm những quan lại tham nhũng bất kể họ là ai và giữ chức vụ gì (kể cả hoàn thân cốt thích),để những quan lại khác thấy “sợ mà tránh”. Suy cho cùng, việc đề cao pháp luật trong trị nước thiết nghĩ cũng là một việc làm đúng đắn.

Thứ tư, mặc dù nhà nước phong kiến là chế độ quân chủ, nhưng bước đầu đã nhận thức được việc phòng chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân, để từ đó có cơ chế khuyến khích nhân dân và quần thần tâu thẳng nói thật, tố cáo gian thần tham tang, vớ vét, bóc lột của dân, trộm của công.

Hạn chế biện pháp phòng chống tham nhũng của các triều đại phong kiến

- Dù các triều đại phong kiến ở Việt Nam đã rất quan tâm đến tổ chức giám sát và đều xác định rằng nhiệm vụ được giao cho các quan giám sát nặng nề, do vậy các triều đại rất quan tâm đến chế độ thưởng, phạt đối với các “ngôn quan”, phẩm hàm của họ cũng thường cao hơn các chức quan cùng cấp thuộc các lĩnh vực khác. Tuy nhiên các quan giám sát cùng lúc phải kiêm nhiệm thêm những nhiệm vụ khác- mục đích để thâm nhập thực tiễn tại tiền đề dễ giám sát, nên cũng dễ dẫn đến tình trạng “vừa đánh trống, vừa thổi còi” của các quan giám sát (thời Lý, Trần).


- Các hình phạt xử phạt các hành vi tham nhũng mặc dù có tác dụng răn đe, làm gương cho các quan lại khác nhưng vẫn chưa thể hiện được tính nhân văn của nhà nước. Vì các hình phạt thời kỳ phong kiến vẫn còn mang tính cực hình và ô nhục của nhà nước phong kiến Trung Hoa.

Tất cả các biện pháp mà các triều đình phong kiến đã sử dụng (chưa hẳn là hết),  dù có nhưng nó chính là những biện pháp có ý nghĩa quan trọng trong ngăn ngừa tệ tham nhũng của các triều đại phong kiến trong lịch sử.

Tác giả: Lan Hương

0 comments:

Đăng nhận xét