Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Cách thức phòng chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để chống tham nhũng; nghiêm trị tội tham nhũng

Tuy chưa ban hành một bộ luật riêng về phòng chống tham nhũng, nhưng nhà nước phong kiến các thời luôn có các chỉ dụ, sắc lệnh phòng chống tham nhũng, các bộ Luật chứa các điều liên quan đến hành vi tham nhũng (ví như 11 chỉ dụ của Lê Thánh Tông - các chỉ dụ quy định rất chặt chẽ và cụ thể với những hình phạt rất nghiêm khắc đối với các hành vi tham nhũng, Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ đã nói ở chương 1). Ngay từ thời nhà Lý đã có những quy định rất cụ thể về việc trừng trị những hành vi tham ô, ăn trộm của công.


Các triều vua rất chú trọng đến tính thực thi của các điều luật, chỉ dụ. Trong tất cả các trường hợp quan lại phạm tội tham nhũng bất kể tội phạm xuất thân và công lao trước đó, cùng học vị và chức vụ hiện tại đều bị xử lý nghiêm khắc. Ví như trường họp của Lê Thú là võ quan đầu triều, nhưng khi bị phát giác tham tang, tổ chức cho người nhà ra nước ngoài buôn lậu vẫn bị ma tịch thu phần tài sản bất lợi trái phép, và một người thiếp bị đuổi khỏi nhà (1434). Hay, Lê Bố là “công thần trung hưng” (có công đưa Lê Thánh Tông lên ngôi) nhưng khi phạm tội tham tang, mặc dù có Thượng Thư Trần Phong là thầy của vua xin cho dùng tiền chuộc tội nhưng vẫn không được vua chấp thuận, vẫn phải chịu hình phạt “kình” (thích chữ vào trán).

Các hình phạt rất nghiêm khắc, bên cạnh các hình phạt hình sự như trảm (chém), giảo (thắt cổ cho chết), lưu hình (đi đày), đồ hình (bắt đi làm lao dịch)..., tùy từng trường hợp, người có hành vi tham nhũng còn bị áp dụng thêm một số hình phạt phụ như phạt tiền (thậm chí bị phạt gấp đôi), tịch thu tài sản, biếm tước (giáng chức),… Ví dụ, điều 392 Luật Gia Long quy định rõ: “Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư kho cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà nếu tang vật thu được lên đến 40 lượng thì bị chém”.

Thống kê từ 26 vụ án có yếu tố tham nhũng trong trong 52 năm đầu của triều Nguyễn (1802 -1854), các ông vua đã đưa ra 36 án tử hình, 38 án lưu hình (đi đày) và 20 án đồ hình (bắt đi lao dịch), ngoài ra còn không kể một loạt các án giáng chức, bắt đi hiệu lực lập công chuộc tội, đánh roi với quan lại các cấp và binh lính phạm tội. Trong 36 án tử hình trên đây có cả Tham tri và hơn chục quan đầu tỉnh. Điển hình nhất là vụ vua Tự Đức xử vụ án nhận hối lộ của quan lại tỉnh Quảng Nam năm Giáp Dần (1854) - vụ án nhận hối lộ lớn nhất nước ta thời phong kiến: 17 người chịu án giảo (thắt cổ), giam hậu (chủ yếu là quan đầu tỉnh và quan đầu phủ huyện), 25 người chịu tội lưu đày (đi đày), 12 người bị tội đồ (bắt đi lao dịch). Nhiều vụ, kẻ tham tang phải chịu chết cái chết thảm khốc, mà trường hợp của Hoàng Hữu Nhẫn là khố lại (nhân viên coi kho) ở kinh đô, khai báo gian lận mỗi khi xuất nhập các son bạc, bị phát giác vào năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng bắt giải đến của Ty Vũ Khố thắt cổ cho chết, lại chặt một bàn tay treo ở cửa để “răn những kẻ miệt pháp và khi quân”, ngày ngày bắt quan lại ở Ty Vũ khố phải đến cửa kho nhìn lên bàn tay đó cho khiếp sợ, khỏi phạm pháp nữa [10, 205].

Như vậy, trong các trường hợp, các hành vi tham nhũng đều được xử lý một cách nghiêm khắc bất kể kẻ tham nhũng là quan lại hay hoàng thân quốc thích.

 Sở dĩ các hành vi tham nhũng bị trừng phạt nghiêm khắc với những hình phạt nặng nề vì người xưa cho rằng lấy của cải của triều đình và của dân là một trong những tội ác. Vua Minh Mạng từng dụ bề tôi: “Hình phạt để răn đe kẻ ác thành người không bao giờ bỏ được, Trẫm từ khi lên ngôi thường xuyên bố lệnh ân xá, những kẻ đại nghịch, đại ác thì không được dự, vì tha kẻ có tội, thì hại cho lương dân, không thể mua cái tiếng thương mà bỏ cái nghĩa xử đoán rõ ràng được”.

Nhìn chung, những hình phạt đối với tội tham nhũng khá đầy đủ, từ nhẹ đến nặng, mục đích cuối cùng cũng là để trị tội và nhằm răn đe quan lại tham nhũng.

Nguồn: Lan Hương

0 comments:

Đăng nhận xét