* Nguyên tắc sử dụng quan lại để chọn lọc nhân tài
Thứ nhất, đặt vị trí quan lại theo đúng tài và đức.
Mục đích của triều đình phong kiến là tìm được những vị quan
đảm đương tốt các nhiệm vụ được giao để khi đặt vào một vị trí nào đó phải xem
thực tài và thực đức có tương xứng với vị trí, hoặc chức trách được giao hay
không?
Thời phong kiến Việt Nam |
Với nguyên tắc này, hiện tượng người thân thích, người có
công nhưng không có thực tài được cất nhắc vào những vị trí quan trọng rất ít xảy
ra. Còn nếu không hoàn thành công vụ hoặc vi phạm pháp luật sẽ bị giáng chức và
có thể bị giáng phẩm trật. Xin nếu một ví dụ: Thời Trần, Nguyễn Quốc Phụ là Nội
thú Chánh chưởng, cận thần của vua Trần Nhân Tông, sau khi Trần Nhân Tông lên
làm thượng hoàng, Trần Anh Tông lên ngôi vua, trong triều khuyết chức hành khiển
(Tể tướng), Trần Nhân Tông gợi ý Trần Anh Tông cho Quốc phụ giữ chức đó, nhưng
Trần Anh Tông kiên quyết không theo lệnh cha vì Phụ là người không có tài cán,
là kẻ nghiện rượu.
Thứ hai, tùy đặc điểm, tính chất công việc mà xếp đặt quan lại
vào vị trí thích hợp và số quan lại chức viên phù hợp.
Nguyên tắc này nhằm bố trí quan lại vào đúng công việc theo
“sở trường, sở đoản”, đồng thời tránh tình trạng đùn đẩy giữa các bộ phận, các
chức viên trong nha môn, từ đó mới lọc ra được người có năng lực. Hơn nữa, việc
bố trí người vào đúng vị trí công việc theo sở trường, sở đoản sẽ phát huy được
hết khả năng của quan lại, đồng thời, khi được bố trí vào công việc mà mình yêu
thích, niềm say mê công việc sẽ chiến thắng được chính mình, vượt qua được các
món lợi về vật chất, từ đó hạn chế bớt số quan lại tham nhũng.
Thứ ba, đảm bảo sự hài hòa, nghiêm minh giữa chức và trách (trách
là trách nhiệm và quyền hạn, chức là chức vụ).
Chức được coi là danh còn trách được coi là thực. Một vị quan
được coi là tốt phải đảm bảo sự hài hòa, nghiêm minh giữa chức và trách. Cụ thể
phải:
- Hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao theo chức vụ, không
được vô trách nhiệm;
- Bàn bạc giải quyết công việc trong phạm vi quyền hạn, trách
nhiệm của chức vụ không được lạm quyền.
Đây là cơ sở để khiển trách và khen thưởng quan lại, đồng thời
tránh sự lạm quyền trong đội ngũ quan lại, có thể lạm dụng chức trách để tư lợi
cá nhân.
Thứ tư, thực hiện việc luân chuyển quan lại.
Mục đích của công việc này là bố trí quan lại vào các vị trí
thích hợp sau khi họ bọc lộ ưu khuyết trong thời gian làm việc, để lựa thải
quan lại, tránh sự “cát cứ”, tham tang, kéo bè cánh, lộng quyền của những viên
quan tha hóa, biến chất.
Việc luân chuyển quan lại được căn cứ vào thời hạn, kết quả
làm việc, nơi làm việc, được xét duyệt thông qua chế độ khảo khóa (sẽ trình bày
ở dưới).
* Một số quy định đối với quan lại
- Các quy định về nghĩa vụ và những điều cấm kỵ đối với quan
lại:
+ Nghĩa vụ tuân thủ thời
hạn giải quyết công việc: cần đảm bảo tính kịp thời, tránh hậu quả xấu, bất lợi
xảy ra do việc để quá hạn gây ra như thời hạn đắp đê, sửa đê phải làm xong trước
mùa mưa lũ để tránh lũ lụt...; cần đảm bảo tính chính xác...
+ Nghĩa vụ tuân thủ thủ tục giải quyết việc công: Đảm bảo yêu
vầu này nhằm đảm bảo chất lượng công việc, nhằm bảo đảm các hoạt động phối hợp,
giám sát của các cơ quan, các chức vụ với nhau. Nghĩa vụ này đặc biệt được nhấn
mạnh khi việc không tuân thủ thủ tục có nguy cơ dẫn đến sai sót, lầm lẫn khi giải
quyết công việc hoặc có khả năng lộng quyền, lạm quyền, khinh nhờn phép nước.
+ Nghĩa vụ khách quan, vô tư, chính xác, có căn cứ xác đáng
khi giải quyết việc công: quy định hình phạt đối với hành vi làm sai sự thật,
làm trái pháp luật, đặc biệt trừng phạt nghiêm người làm sai trái vì tình thân,
thù oán, ăn hối lộ.
+ Nghĩa vụ tuân thủ kỉ luật, chuyên cần, tận tụy với công việc:
Nghĩa vụ này đòi hỏi quan lại phải tận tâm, tận lực hoàn thành công việc thuộc
chức trách được giao, không tùy tiện nghỉ việc, không được làm công việc nhà,
ra đến công trường là phải ăn mặc chỉnh tề, nói năng đúng phép, cấm trễ nải, trốn
tránh nhiệm vụ...;
+ Nghĩa vụ chịu trách nhiệm về việc làm của cấp dưới: Các
quan lại không biết hoặc làm ngơ hoặc dung túng cấp dưới làm điều sai trái đều
bị phạt;
+ Nghĩa vụ giữ gìn bí mật nhà nước;
+ Cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu dân;
+ Cấm kết bè đảng, cấm các quan cùng làm việc mâu thuần nhau
Quan lại là những người sử dụng quyền lực, được sử dụng những
phương tiện bạo lực đi kèm quyền lực đó
nên thường có nhiều khả năng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi riêng, ức
hiếp dân. Do đó quy định các điều câm kỵ với quan lại để tránh được việc lạm dụng
quyền lực công tiến hành những việc phi pháp, trái lương tâm, làm hại cho dân,
cho nước.
- Những quy định về đặc quyền, đặc lợi quan lại được hưởng:
Quan lại được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, gồm những đặc
quyền, đặc lợi quan lại được hưởng trực tiếp và những quyền lợi mà người thân
thuộc được hưởng. Lấy việc được ăn lộc vua làm cái nghĩa phải báo ơn vua, nên hết
lòng, hết sức làm tròn phận sự.
* Thực hiện chế độ khảo công quan lại
Phép khảo công hay khảo khảo khóa quan lại là là việc kiểm
tra lại năng lực phẩm chất của đội ngũ quan lại thường tổ chức 3 năm 1 lần. Theo đó quan lại các cấp theo định kỳ 3 năm một lần phải
chịu sự khảo xét hiện trạng tốt - xấu, hay - dở, những việc được làm hoặc
không được làm, những lỗi lầm... trong 3 năm. Các nha môn thực hiện cả ba lần
khảo khóa khai rõ công việc quan chức đã làm trong chức nhiệm cùng thành tích,
lỗi lầm trình lên trên. Nếu xứng chức thì cho thăng thưởng, nếu ốm yếu, hèn
kém, bỉ ổi thì đổi đi chỗ ít việc hoặc bắt về hưu (gọi là lệ giản thải). Việc
thăng thưởng, thuyên chuyển, lầm lỗi của quan lại được ghi chép đầy đủ trong sổ
gốc làm cơ sở thưởng, phạt (thăng chức, giáng chức hoặc thuyên chuyển đi nơi
khác làm việc hoặc làm việc khác cho phù hợp).
Quan lại khi được khảo khóa sẽ được xếp thành 4 loại:
- Loại ưu :thăng chức;
- Loại tốt, bình thường: giữ nguyên chức;
- Loại khuyết: hạ chức;
- Loại yếu: sa thải, bãi chức.
Chế độ này bắt đầu từ
thời vua Lý Thái Tông (1051) và được bổ sung nhiều lần Dưới thời vua Anh Tông hoàng đế (1138-1175): “khảo khóa các quan văn võ, người
nào đủ điều kiện hạn khảo mà không có lỗi gì thì thăng trật, định làm phép thường,
cứ 9 năm là một kỳ khảo” [13,144]; chia thành các bậc: thượng - trung - hạ.
Nhà Trần: Xét duyệt các quan văn võ cứ “15 năm xét duyệt 1 lần,
10 năm thăng tước 1 cấp, 15 năm thăng chức 1 bậc. Chức quan nào khuyết thì chức
chánh kiêm chức phó. Chánh phó đều khuyết thì lấy quan khác tạm giữ, đợi đủ hạn
xét duyệt thì bổ chức ấy” [13,168].
Sau nhà Trần, lệ khảo khóa của các triều đại về sau (Lê, Nguyễn)
cứ 3 năm tiến hành một lần, thường xuyên và liên tục.
Năm 1712, Phép khảo được chia ra làm 3 hạng:
- Hạng thượng khảo: là những viên quan siêng năng, cẩn thận,
công bằng, thanh liêm, yêu thương dân, làm việc có ích từ bỏ việc hại, công bằng
trong chính sự, đúng lý trong xử kiện, ở chỗ cảnh khó, việc nhiều mà văn án kiện
tụng vẫn ít, xử kiện thì không có án nào phải xét đi, xử lại.
- Hạng trung khảo: là những quan làm việc thuế khóa mà không
sách nhiễu dân, làm việc công không bỏ trễ.
- Hạng hạ khảo: là những “kẻ tầm thường, tấn tới rồi lại thụt
lùi, tham ô, lè nhè, để đọng việc kiện tụng và hình ngục” [47,198-199].
Sử cũ ghi lại rằng, nhờ các kỳ khảo công mà nhiều vụ tiêu cực
của quan lại các cấp, cả quan to của triều đình đều bị phát giác và xử lý
nghiêm khắc, qua đó chấn chỉnh đội ngũ quan lại:
- Năm Cảnh Trị thứ 3 (1665), triều đình đã giáng 7 vị quan to
trong triều, trong đó có Thượng Thư bộ Hộ Trần đăng Tuyển, Thượng Thư bộ Hình
Phan Kiêm Toàn và Thượng Thư bộ Lễ Nguyễn Năng Thiệu bị giáng xuống Tả Thị Lang
cùng bộ; Đô Ngự sử Ngô Sỹ Triệt cũng bị giáng xuống Tả Thị Lang.
- Năm Vĩnh Trị (1676) có hơn 10 người là quan ở Kinh Đô và
các trấn bị giáng chức vì đứng ở hàng cuối trong đợt khảo công năm đó.
Bên cạnh đó, các triều đình khi thực hiện khảo công cũng rất
chú trọng đến việc giám sát những người “cầm cân nảy mực” - thực hiện nhiệm vụ
khảo công mà có sai phạm trong các kỳ khảo công sẽ bị xử phạt mạnh. Ví như,
trong kỳ khảo công năm 1676, Thân Toàn là Đô Ngự sử vì làm việc không đúng nên
bị giáng xuống làm Tả Thị Lang bộ Hộ. Năm 1691, Phạm Quang Trạch là tham chính
sứ Kinh bắc xét duyệt quan không cẩn thận bị giáng xuống làm Đô Cấp sự trung.
Trong sử dụng quan lại, nhà nước phong kiến coi thanh liêm là
tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu của quan lại. Trong các kỳ khảo công tiêu chuẩn
thanh liêm luôn được coi là tiêu chuẩn đầu tiên. Người nào liêm khiết sẽ được
biểu dương, cất nhắc kịp thời. Trong xử án, bên cạnh việc xử nghiêm kẻ tham ô,
triều đình còn biểu dương khen thưởng những vị quan thanh liêm. Chẳng hạn, vụ
án nhận hối lộ để làm thất thoát tiền đấu thầu thuế ở Thanh Hóa năm Kỷ Sửu
(1829), 3 vị quan đầu tỉnh bị cắt chức, bắt đi “hiệu lực”. Còn Tôn Thất Lương
không nhận hối lộ được vua Minh Mạng khen và thưởng 3 cuốn sa và đoạn, 10 tấm vảo
mùi.
Rõ ràng, việc thực hiện phép khảo công là nhằm để giúp triều
đình nhận rõ ưu khuyết, những thành tích, mặt mạnh, yếu, hạn chế của đội ngũ
quan lại các cấp để chấn chỉnh họ, bố trí họ vào các vị trí, chức trách, nhiệm
vụ theo tài năng, đức hạnh và tinh thần, trách nhiệm của họ với công việc,
khích lệ từng người phấn đấu trở thành vị quan tốt.
* Thực hiện chế độ Hồi Tỵ
“Hồi tỵ” nguyên nghĩa chữ Hán là “tránh đi”, “lánh đi”, về
sau là một khái niệm để chỉ một nguyên tắc bố trí quan lại của Nhà nước xuất hiện
từ lâu đời ở Trung Quốc. Theo đó, những người có quan hệ huyết thồng, đồng
hương, thầy trò, bạn bè... không cùng được làm quan hay làm việc một địa
phương. Nếu gặp một trong những trường hợp trên đây thì phải tâu báo lên để
thuyên chuyển những người thân thuộc đó đi các nơi khác nhau. Quy định Hồi tỵ
nhằm tránh sự làm việc không khách quan, nể nang, né tránh hoặc bao che, nâng đỡ
cho nhau giữa những người có quan hệ thân thuộc, gây ra nhiều tiêu cực, nhũng lạm,
tham tang, làm cho bộ máy nhà nước kém hiệu lực.
Lê Thánh Tông là người đầu tiên tiếp thu và vận dụng chế độ Hồi
Tỵ vào việc xây dựng bộ máy chính quyền và cung cách làm việc của cơ quan đó.
Trong Quốc Triều Hình Luật có một số điều quy định “Hồi Tỵ” đó là:
- Quan lại không được lấy vợ và kết thông gia với người ở nơi mình cai quản;
- Không đưa quan lại về quê hương bản quán nhậm trị;
- Quan lại không được tậu đất, vườn ruộng nhà tại nơi cai quản;
- Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc;
- Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại
cùng một công sở.
Luật “Hồi Tỵ” thời Lê Thánh Tông còn thực thi nghiêm ngặt
trong các kỳ thi Hương, thi Hội; áp dụng với cả đội ngũ chức viên ở cấp xã. Năm
Hồng Đức thứ 19 (Mậu Thân 1488) nhà vua xuống chiếu: Hễ là anh em ruột, anh em
con chú, con bác là bác cháu, cậu cháu với nhau thì chỉ có một người được làm
xã trưởng, không được cùng làm để trừ mối tệ bè phái hùa nhau [13,507]. Tám năm
sau (Bính Thìn 1496), quy định này được mở rộng ra với cả con cô, con cậu, con
dì, con già và những người có quan hệ thông gia; Nếu đã cùng làm xã trưởng rồi
thì chọn người nào có thể làm được việc cho lưu lại, còn thì cho về làm dân [13,519].
Biện pháp này nhằm ngăn chặn tệ lợi dụng quan hệ thân tộc, vây bè kéo cánh cả về
phía họ ngoại và thông gia trong việc nắm giữ các chức danh trong bộ máy quản
lý, thao túng làng xã.
Vua Minh Mạng là người thực hiện Luật “ Hồi Tỵ” triệt để hơn.
Ngoài các điểm chung như Luật “ Hồi Tỵ” thời Lê Thánh Tông Minh Mạng còn quy định
một cách tích cực và triệt để hơn. Đó là:
- Các lại dịch ở Nha môn, các Bộ ở kinh đô và các tỉnh là bố
con, an hem ruột, anh em con chú con bác với nhau thì phải tách ra đổi bổ đi
nơi khác;
- Các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (nơi ở một
thời gian lâu) ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc
trẻ tuổi. Các loại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê
hương mình;
- Các lại mục, thông lại các nha thuộc các phủ huyện là người
cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác;
- Các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về Kinh
đô chầu được dự đình nghị, song khi trong các cuọc họp có bàn việc liên quan đến
địa phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự.
Tuy nhiên, có một số cơ quan và ngành không áp dụng luật Hồi
tỵ. Ví dụ, Ty Chiêm Hậu là cơ quan chuyên trách về lịch, Thái Y viện là cơ quan
chăm sóc sức khỏe nhà vua, Ty Hiệu lễ sinh chuyên coi về lễ nghi là những cơ
quan cần người có trình độ chuyên môn cha truyền con nối.
Những quy định về chế độ Hồi tỵ đã có tác dụng lớn trong bảo
đảm sự công minh của pháp luật và ngăn chặn những hành vi tiêu cực của quan lại,
chống việc trù dập người tố cáo, cậy quyền, cậy thế nhũng nhiễu lương dân.
Tác giả: Lan Hương
0 comments:
Đăng nhận xét