Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Quy định chặt chẽ việc tuyển dụng bổ nhiệm được coi là biện pháp phòng ngừa tham nhũng

 Thứ nhất, coi trọng người hiền tài, không câu nệ vào hoàn cảnh xuất thân.

Các triều đại phong kiến coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia” nên khi tuyển chọn quan lại không chỉ chú trọng đến mặt tài năng, mà mặt khác còn rất coi trọng đến phẩm chất, đạo đức. Tài năng phải đi liền với đức độ. “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Người có đức, có tài nhậm chức thì trị. Người vô tài, thất đức nắm giữ quyền hành thì loạn...” [18,237] (Lê Thánh Tông). Nếu không có đức độ, chắc chắn khi được thăng quan, tiến chức, phẩm chất quan lại sẽ bị tha hóa, là một trong những nguy cơ nảy sinh tham nhũng.

Bên cạnh đó, các vị hoàng đế phong kiến  đặc biệt chú ý đến kiến thức thật sự của những người quan lại nhất là vị trí quan lãnh đạo. Mặc dù vẫn coi trọng nguồn gốc xuất thân của dòng họ, vẫn phong tước, phong quan cho các vị đại thần có công lao với đất nước, cho con cháu để bảo vệ hoàng tộc. Nhưng để tuyển chọn người có tài thực sự thì các ông vua cũng không quá câu nệ, coi trọng vào nguồn gốc xuất thân của kẻ có tàì. Các ông  bỏ chế độ bổ dụng vương hầu, quý tộc vào các trọng trách của triều đình mà lấy thước đo học vấn làm tiêu chuẩn dùng người, không phân biệt thành phần xuất thân (Ví như trong Hiệu định quan chế nhà Lê quy định: Trong các kỳ thi, tất cả mọi người trong nước không kể nguồn gốc xuất thân, đều được phép dự thi chỉ trừ trừ những kẻ bị coi là “phản nghịch” hoặc “vô loài”). Các vương thân, công hầu, tuy vẫn được ban bổng lộc nhưng nếu không đỗ đạt thì không được đứng trong bộ máy nhà nước.

Đối với những học trò nghèo khó còn được triều đình tạo điều kiện để tiếp tục việc học. Triều Nguyễn, đời vua Minh Mạng cho các Hương cống vào làm hành tẩu ở các bộ để học tập, xây dựng Quốc tử Giám ở kinh đô Huế để các giám sinh có điều kiện ăn ở, học hành. Năm 1821, Minh Mạng cho xây dựng thêm nhà cửa tại Quốc Tử Giám làm phòng ở cho tôn sinh, giám sinh. Từ năm 1822, cho phép mỗi huyện hàng năm cống một học sinh, giao cho Quốc Tử Giám hội đồng sát hạch, người nào đủ tiêu chuẩn được cấp lương để học tập ở Quốc Tử Giám... Như vậy dưới triều Nguyễn, nhất là dưới thời vua Minh Mạng, các học sinh giám sinh được tạo điều kiện rất lớn để có thể học hành đến nơi, đến chốn, không vì nguồn gốc xuất thân và hoàn cảnh khó khăn mà lỡ dở con đường học hành thi cử, đất nước vì thế mà không mất đi những nhân tài. Vua Minh Mạng thường thể hiện sự yêu quý nhân tài bằng việc ông trực tiếp ra thăm hỏi các thí sinh trong kỳ thi Hội, thi Đình tại kinh đô. Vi dụ năm Minh Mạng thứ 19 (1838), kỳ thi Hội diễn ra vào những ngày mưa rét, ông đã đến tận trường thi chia cho các thí sinh cơm ăn, lò sưởi và đệm cỏ.

Thứ hai, tổ chức việc thi cử một cách nghiêm ngặt, coi thi cử là con đường chính để tuyển chọn quan lại.

Dưới thời quân chủ, để tuyển chọn quan lại, triều đình thường sử dụng các biện pháp chính là: nhiệm tử, khoa cử và đề cử. Ở Việt Nam khoa cử được chính thức áp dụng bắt đầu từ thời Lý đến thế kỷ XI. Tuy vậy, triều Lý (1010-1225) chưa thật sự đề cao khoa cử. Dưới triều Lê Thánh Tông, thì con đường khoa cử mới được đề cao thực sự. Việc tuyển chọn quan lại thông qua con đường thi cử được xem xét cụ thể trên mấy mặt sau:

Một, điều kiện cho người đi thi: Vừa có đức, phải vừa có tài, không phải con cháu nhà phường hát, hoặc phạm tội phản quốc.

Hai, chống gian lận trong khi thi: Cấm thí sinh mượn người thi hộ. Giám sát trường thi không cho sĩ tử mang sách vở vào trường thi.

Ba, đảm bảo khách quan trong việc đánh giá kết quả thi: Sao chép quyển văn của thí sinh sang quyển khác (đằng lục) để khảo quan châm nhằm làm cho khảo quan không nhận ra bài của thí sinh. Buộc các quan có liên quan đến đánh giá kết quả thi phải từ chức nếu có quan hệ thân thuộc với thí sinh.

Để được làm quan, các giám sinh, kẻ sĩ phải trải qua rất nhiều vòng thi. Ví như, thi cử triều Nguyễn được tổ chức thành năm bậc: khảo khóa (được tổ chức hàng năm), hạch thí (ở cấp tỉnh mở đường cho việc dự hương thí), hội thí (cuộc thi mở đầu cho việc thi tiến sĩ tổ chức ở kinh đô), đình thí (là cuộc thi cao nhất tổ chức ở trong cung đình). Chỉ có thi hương và thi đình mới cấp danh hiệu văn bằng, những cuộc thi khác chỉ là thi loại.

Thứ ba, đề cử người có tài cũng là một hình thức để lựa chọn nhân tài rất được chú ý thời phong kiến.

Đề cử bao gồm tiến cử và bảo cử. Tiến cử là cử người tài, đức hơn hẳn mà không căn cứ thân phận đó có thể là người chưa có quan tước. Bảo cử là cử người có quan tước nhưng tài, đức vượt yêu cầu của công việc đang đảm nhiệm, xứng đáng với công việc quan trọng hơn.

“Người tài ở đời vốn là không ít mà cách tìm người tài không phải chỉ có một đường hoặc có người tài giúp nước mà khuất ở chức thấp không ai tiến cử hoặc có người nào kiệt ẩn ở đồng quê, lẫn vào quân lính” [13,579], cho thấy việc tuyển bổ quan lại là để dùng, cốt chọn được nhân tài nên bên cạnh tuyển cử là cách tuyển bổ chính thì đề cử cũng được chú ý.

Năm 1830 vua Minh Mạng xuống dụ rằng: “Xây dựng chính trị cốt chọn được người giỏi, phương pháp chọn người không chỉ có một. Kinh thư nói: “Cử được người giỏi làm quan tức là cái giỏi của mình”. Tiến cử người giỏi cho vua là chức phận của người bề tôi. Từ khi tham chính đến nay, trẫm luôn kính trọng người tài nhưng dường như chưa đủ... Trẫm vẫn nghĩ trong đám người làm việc còn không ít người tài giỏi do hoàn cảnh mà chưa bộc lộ ra” [38,104-105]

Tuy nhiên cách đề cử có nhược điểm là nó bị ảnh hưởng nhiều bởi sự đánh giá chủ quan của cá nhân người đề cử, hoặc có là hình thức diễn ra hiện tượng tiêu cực (đề cử những người thân thích không có năng lực hoặc do hối lộ để được vào vị trí đó...). Để hạn chế tình trạng đó, thủ tục đề cử được thiết lập tương đối chặt chẽ, tùy theo chức vụ cần đề cử mà có người đề cử, cơ quan xem xét, cơ quan bổ dụng tương ứng, rồi ghi chép, theo dõi năng lực, công trạng, lỗi lầm của người được đề cử sau khi được bổ dụng. Đồng thời đặt ra chế độ trách nhiệm đối với người đề cử không được thiên tư, nhận tiền mà đề cử bậy, phải đề cử người tài cán, thanh liêm, xứng đáng với công việc, không chây lười, hèn kém, bằng không thì người đề cử sẽ bị trị tội: “Ra lệnh chỉ cho bọn đại thần định lại các quan lộ, huyện, quan trấn thủ, cùng các quan giữ đầu nguồn, cửa biển và những nơi xung yếu, đều phải dung những người tài giỏi, liêm khiết, chính trực, cho các đại thần đều được tiến cử...nếu tiến cử được người giỏi thì được tăng thưởng theo lệ tiến cử hiền thần, nếu vì tiền tài, vì thân quen, tiến cử người không tốt thì bị trị tội theo lệ tiến cử kẻ gian” [13,363].

Xin đưa ra ví dụ về việc tiến cử người bậy bạ như sau:

Năm Mậu Tý 828, Thương Thư bộ Lễ Phan Huy Thực đề cử 5 học trò của mình, Thượng Thư bộ Hộ Lương Tiên Tiền đề cử 1 người. Tất cả đều được bổ vào làm quan ở Hàn Lâm Viện. Song khi vua Minh Mạng sai sát hạch thì cả 6 đều không đạt, riêng Lê Trọng Thực và Ngô Vi Chuẩn là học trò của Phan Huy Thực và Lương Tiến Tường còn nhờ người thi hộ. Phan Huy Thực và Lương Tiến Tường đều bị giáng chức vì “cống tử phi nhân”, cả 6 người đều bị loại khỏi công vụ. Riêng 2 người nhờ người thi thay còn bị đánh 100 trượng, bắt đi làm khổ sai ở vùng đất mới khai hoang tại Trấn Minh.

Phan Huy Chú đã nhận xét: “...việc ấy làm thận trọng mà trừng phạt lại nghiêm, cho nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng. Rút cùng thu được hiệu quả là chọn được người”. Rõ ràng, đặt ra đề cử, nhưng giám sát chặt chẽ sẽ có thể tạo được người tài cho đất nước mà vừa tránh được tình trạng có những kẻ cơ hội, lợi dụng hình thức này để chạy chức chạy quyền.

Với việc đề cao khoa cử và kiểm soát đề cử tốt đã giúp cho các triều đình phong kiến tuyển dụng quan lại cho bộ máy hành chính, tìm ra được không ít những vị quan thanh liêm, vì nước vì dân như Hà Tông Quyền, Phan Bá Đạt, Trương Quốc Dụng, Nguyễn Văn Siêu... Vì thế mà tệ tham tang cũng được đẩy lùi.

Nguồn: Lan Hương

0 comments:

Đăng nhận xét