Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Thực hiện chế độ lương bổng đãi ngộ hợp lý để phòng chống tham nhũng thời phong kiến

Các triều đại phong kiến cũng rất quan tâm xây dựng một chế độ lương bổng công bằng, hợp lý cho đội ngũ quan lại. Coi đó là một cách để quan lại yên tâm làm việc, không vì lí do lương bổng thấp mà nảy sinh lòng tham.

Chế độ lương bổng của các triều đại phong kiến đều căn cứ vào cấp chức và năng lực của quan lại để quy định rõ chế độ bổng lộc.

Sử sách chép không nhiều và không đầy đủ về chế độ lương bổng của quan lại nhà Lý. Chỉ biết năm 1067, vua Lý Thánh Tông đặt ra chế độ cấp lương bổng. Ông cho Đô hộ phủ sĩ sư và người làm án ngục lại hàng năm như sau [13,8]: Đô hộ phủ sĩ sư hưởng là 50 quan tiền, 100 bó lúa và các thứ cá muối v..v..; Ngục lại mỗi người 20 quan tiền, 100 bó lúa. Việc ban bổng lộc nhằm để nuôi đức liêm khiết của họ. Theo tính toán và so sánh của Lê Văn Siêu, mức bổng lộc này là cao [13,518].

Theo sử sách thì thời Lý các quan làm việc trong kinh thành không có lương bổng, chỉ thỉnh thoảng được vua ban thưởng. Nhưng như vậy không có nghĩa là họ phải sống nghèo túng. Mỗi người trong số các quan có chức vụ đều có vài chục người hầu, nếu dùng không hết thì vẫn lĩnh lương theo danh nghĩa để nuôi những người hầu đó; ngoài ra, họ còn được hưởng thổ sản ở các địa phương trong nước tiến cống về và các tặng phẩm của vua. Tuy không hưởng chế độ lương bổng thường xuyên, nhưng họ được hưởng chức tước và bổng lộc (ruộng đất và quyền thu thuế ruộng).

Khác với thời Lý, quan lại thời Trần có lương bổng (được quy định chính thức). Năm 1236, Thái Tông quy định lương cho các quan văn võ ở triều đình đến các địa phương, kể cả quan giữ lăng miếu (định lệ cấp bổng cho các quan văn võ trong kinh ngoài trấn và các quan ở trong cung điện, lăng miếu, lấy từ nguồn tiền thuế, phân theo thứ bậc mà ban cấp). Đến năm thứ 13 (1244), nhà vua lại ban bổng cho bách quan và quan túc vệ. Đến năm Đại Khánh thứ 3 đời Trần Minh Tông (1316) nhà vua lại cấp bổng cho quan văn võ lấy từ nguồn tiền thuế của các hộ dân. Mức cấp cũng theo thứ bậc khác nhau.

Đến thời Lê, vào năm Thuận Thiên thứ 2 đời Lê Thái Tổ (1429), nhà vua sắc cho các quan đại thần bàn định về số ruộng cấp cho các quan, từ quan đại thần trở xuống và ban cấp tiền lụa cho các quan theo thứ bậc khác nhau. Năm Diên Ninh thứ 2 đời vua Lê Nhân Tông (1455), định ra lệ cấp tiền bổng hàng năm cho các quan văn võ theo thứ bậc khác nhau. Đến năm Quang Thuận thứ nhất đời vua Lê Thánh Tông (1460), có chính sách cấp ruộng thế nghiệp cho 30 viên công thần với số diện tích khác nhau: loại nhất được 300 mẫu, loại nhì được 200 mẫu, loại ba được 150 mẫu hoặc 130 mẫu.

Từ một số chi tiết trên đây, chúng ta có thể thấy, mặc dù chế độ lương bổng đối với quan chức của các triều đại có được thực hiện và từng bước có sự cải cách, nhưng chế độ bổng lộc áp dụng cho các quan lại của các triều đại trên đây còn chưa rõ ràng và chưa ổn định. Phải đến năm thứ 8 niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông (1477), chính sách về lương bổng đối với quan lại các cấp mới được qui định cụ thể.

Năm 1477, Vua Lê Thánh Tông đã lập ra quan chế, lễ nghi, chế độ lộc điền, tiền tuế bổng cho quan lại với những quy định hết sức cụ thể về chế độ lương bổng. Chẳng hạn, thời Lê Thánh Tông giải quyết chế độ lương bổng cho quan lại gồm các khoản sau:

- Lộc điền tức cấp ruộng cho quan lại có trật từ Tứ phẩm trở lên;

- Ruộng đất theo chế độ quân điền, ban hành vào năm Hồng Đức thứ tám (1477) cho quan lại Tam phẩm xuống dân thường. Theo chế độ này, nếu một dân thường được 3 phần ruộng thì quan tam phẩm được 11 phần, quan tứ phẩm được 10 phần, các phẩm hàm từ dưới đó sẽ kém phẩm hàm trên 0,5 phần;

- Bổng lộc (lương phụ bằng tiền) theo các mức độ.

Nhìn chung, múc lương trên đây của triều Lê là tương đối cao so với mặt bằng chung đời sống của dân chúng.

Triều Nguyễn tiếp tục thực hiện chặt chẽ chế độ lương bổng. Thời Nguyễn, quan lại được cấp tiền lương, ngoài lương chính, các quan phủ huyện còn được cấp thêm tiền dưỡng liêm (tiền nuôi lòng thanh liêm), tùy thuộc vào nơi yếu khuyết (có nhiều việc) hay giản khuyết (ít việc). Đây là khoản cấp thêm để gìn giữ sự liêm khiết của quan lại. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà từng triều đại có mức độ tiền dưỡng liêm khác nhau. Điều này từ thời Lý có nói đến, mà Đại Việt Sử Ký toàn thư có ghi lại: Lý Thánh Tông – Thánh Tông Hoàng Đế: “ Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân... hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, tỏng nước yên tĩnh, đáng bậc vua tốt...” [13,105].

Thời kỳ đầu theo quy định của Vua Gia Long, tiền dưỡng liêm chỉ dành cho quan lại cấp phủ, huyện bởi “phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng nhiều việc, ngoài bổng chính ra cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm để tỏ đặc cách”. Về sau, Vua Minh Mạng cho mở rộng đối tượng hưởng tiền dưỡng liêm vì theo Vua Minh Mạng “tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch”. Các tài liệu lịch sử cho thấy, giá trị thực tế của khoản tiền dưỡng liêm mà quan lại được nhận dưới triều các vua Gia Long, Minh Mạng là khá lớn, tương đương với số tiền lương bổng mà họ thực nhận hằng tháng. Điều này có ý nghĩa rất lớn về vật chất vì quan lại có thể dựa vào tiền dưỡng liêm mà giữ gìn liêm khiết của bản thân để có thể làm việc một cách công tâm. Do đó, tiền dưỡng liêm đã thực sự là một biện pháp hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa tham nhũng dưới triều Nguyễn. Từ năm 1838, ông quy định tiền dưỡng liêm không cấp đồng loạt như trước mà được cấp ít hay nhiều tùy thuộc vào tính chất của từng phủ, huyện cụ thể:

* Bảng 4: cấp tiền “dưỡng liêm” dưới triều vua Minh Mạng năm 1838

Chức quan

Tối yếu khuyết (có rất nhiều việc)

Yếu khuyết (có nhiều việc)

Trung khuyết (có vừa việc)

Giảm khuyết (có ít việc)

Tri phủ

60 quan

50 quan

40 quan

30 quan

Đồng tri phủ

50 quan

40 quan

30 quan

25 quan

Tri huyện

40 quan

30 quan

25 quan

20 quan

Tri châu

40 quan

30 quan

25 quan

20 quan

(Nguồn: Đại nam thực lục chính biên, NXB KHXH, Hà Nội, 1969, tập XI, trang 280)

Như vậy, chế độ lương bổng của các triều đại dần dần được hoàn thiện và coi đó là một cách để nâng cao đời sống của quan lại, góp phần vào việc giữ vững bản bản thân, vượt qua mọi cám dỗ của đồng tiền, mà một lòng trung thành với triều đình. Coi bổng lộc vua ban cho là một hình thức “trả ơn” vua, mà không dám tham tang.

Tác giả: Lan Hương

0 comments:

Đăng nhận xét