Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Quan niệm về tham nhũng và phòng chống tham nhũng qua các triều đại phong kiến của Việt Nam

Lịch sử tổ chức bộ máy hành chính của các triều đại phong kiến Việt Nam đã cho thấy thời đó các vị vua anh minh rất đề cao trách nhiệm của cấp hành chính và đội ngũ quan lại, nhất là đời vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng là những người đã tiến hành hai cuộc cải cách rất lớn trong lịch sử. Quan điểm của các vị vua đưa ra rằng: Trách nhiệm quan trọng nhất của quan lại là phải giữ cho yên dân, làm cho dân được no đủ, tránh để kêu ca oán thán. Quan lại phải có trách nhiệm trông coi dân, bảo vệ lợi ích của dân, phải thường xuyên nghe ngóng những phản ứng của dân. Không phải ngẫu nhiên mà các ông gọi các quan trong triều là “quan phụ mẫu”. Các ông quan niệm các quan triều đình phải là cha mẹ của dân. Đã là mẹ thì phải lo lắng cho dân, lo cho cái ăn, chỗ ở, lo thiên tai... Đối với đội ngũ quan lại, các ông yêu cầu họ không chỉ thuộc sách thánh hiền mà cần phải có năng lực tổ chức để giúp đỡ vua trị nước, giúp dân mưu sinh. Và muốn yên dân, trước hết cần có đội ngũ quan lại tài giỏi và liêm chính. Và để cho “yên dân”, các vị vua anh minh đều rất coi trọng việc nghiêm trị những hành vi tham ô, hối lộ, nhũng nhiễu của bọn tham quan, ô lại bằng cách trừng trị nghiêm khắc khi bọn tham quan ô lại mắc lỗi, bất kể là thượng thư hay đề cốc trong triều đình.

Các triều đại phong kiến Việt Nam chống tham nhũng như thế nào?

          Từ thời xưa các bậc vua chúa phong kiến đã sử dụng rất thông dụng thuật ngữ  “tham ô” và “hối lộ”. Bất kể hành vi nào của quan lại mà làm hại đến dân, chiếm đoạt của dân, của triều đình, nhận tiền để bao che, hoặc xử án sai... thì đều gọi chung là tham ô, nhận hối lộ. Tuy nhiên, thuật ngữ “Tham nhũng” thời phong kiến đã được sử dụng chưa thì còn là một câu hỏi để mở. Bởi nghiên cứu các chiếu chỉ, các cuốn sử, các tác phẩm thời đó thì thấy rằng, trong thời phong kiến chưa xuất hiện thuật ngữ “Tham nhũng”, chỉ biết rằng những hành vi tham ô, ăn hối lộ và nhũng nhiễu, hạch sách nhân dân thời đó theo cách hiểu của ngày nay thì chính là tham nhũng.

Quan niệm của xã hội

          Ngày xưa, ông cha ta hiểu tham nhũng dưới cái nhìn rất đơn giản và rất rộng. Tham là gì? Tham là tham ô, là vơ vét của dân, áp bức bóc lột dân. Nhũng là gì? Nhũng là nhũng nhiễu, hạch sách, lộng quyền, coi trời bằng vung. Với cách hiểu đơn giản như vậy, tham nhũng thời kì phong kiến trong mắt của người dân là hành vi của đa số quan lại thời đó. Chính vì thế người có thể tham nhũng chỉ có thể là đội ngũ quan lại, là những người có chức tước, chức sắc, hưởng bổng lộc của triều đình. Quan càng to, càng giàu thì càng vơ vét của dân bấy nhiêu. Vì thế, ít có quan lại giàu có lại không phải do tham nhũng. Do đó, ít có vị quan nào ở vị trí cao mà lại được nhân dân kính trọng (trừ những vị quan thanh liêm, suốt đời vì dân đã đi vào sử sách của các triều đại phong kiến như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ...).


Biểu hiện của hành vi tham nhũng thời xưa có nội hàm rất rộng, chủ yếu tập trung ở các hành vi:

Một là vơ vét, bóc lột tài sản của nhân dân thông qua sưu cao, thuế nặng, chiếm đoạt tài sản của dân, bởi quan niệm của vua chúa thời xưa cho rằng tất cả mọi thứ trong thiên hạ đều thuộc về vua, có của ngon, vật lạ mà không dâng vua, dâng quan hưởng trước là phạm tội khi quân;

Hai là nhũng nhiễu, hách dịch, cửa quyền, coi dân đen là thứ cỏ rác, không đáng đụng vào;

Ba là quan lại nhận tiền của cấp dưới để tiến cử, bảo cử họ vào vị trí cao hơn, hoặc nhân tiền của dân để cho một chức quan nhỏ nào đó, hoặc bao che hành vi xấu trong thi cử...;

Bốn là hành vi ăn hối lộ của quan xử án của những kẻ địa chủ nhà giàu; là hành vi bao che của của quan xử án cho những kẻ có “ô dù”, là hoàng thân quốc thích, con nhà quyền quý...;

Năm là hành vi đục khoét ngân khố, chiếm lương thực cứu dân đói, dân hạn hán, chiếm tiền cứu đê... của quan lại;

Ngoài ra tham nhũng còn bao hàm cả hành vi ăn chơi, xa hoa, lãng phí của bọn quan lại...


Như vậy, các biểu hiện của tham nhũng dưới con mắt của xã hội đều là những biểu hiện rất cụ thể, tham nhũng thời xưa được hiểu từ chính những điều “tai nghe, mắt thấy”, trực tiếp được phơi bày trong xã hội lúc bấy giờ. Người dân coi mình là dân đen thấp cổ bé họng, nên chấp nhận sống chung với tham nhũng, coi tham nhũng là hành vi tất yếu của những kẻ được lên làm quan. Ngay cả những người trước đây xuất phát từ quần chúng, từ dân đen mà lên. Ví như, Nhà sử học Nguyễn Lương Bích đã viết trong cuốn sử Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước: “Các tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn lúc này cũng trở thành những công thần mở nước, quyền cao chức trọng hơn hết một thời. Họ đương từ những quân nhân cầm vũ khí đánh giặc bỗng trở thành những người làm chính trị, những người lãnh đạo chính quyền, điều khiển mọi việc dân việc nước, đương từ những người dân bình thường, những người “lấy giáp trụ làm chăn áo, lấy đồng cơ làm cửa nhà”, “cơm ăn sớm tối không được hai bữa, áo mặc đông hè chỉ có một manh”, “bỗng trở nên những nhà quyền quý tột bậc”, “đẹp cung thất, cao đài tạ”, hợp thành một tầng lớp trên của giai cấp phong kiến đương thời. Họ xa rời quần chúng, ngày càng mất dần phẩm chất cũ của họ và biến dần thành những chúa phong kiến lớn, hại dân, hại nước” [26,516].


Quy định của pháp luật phong kiến

Thời phong kiến các đạo luật đã quy định nhiều về phòng, chống tham nhũng đó là các phần về tội phạm chức vụ. Trong đó tiêu biểu là Quốc triều hình luật triều Lê và Hoàng Việt luật lệ triều Nguyễn - hai bộ luật tiến bộ nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. Một số nội dung quy định về tội phạm chức vụ đã cho thấy ông cha ta đã ý thức được tác hại của tham nhũng từ rất sớm, và có những biện pháp xử lý rất nghiêm khắc.


Xét về mặt pháp lý, chưa có một khái niệm cụ thể nào về tham nhũng. Tuy không có những định nghĩa cụ thể về tham nhũng là gì nhưng trong Quốc Triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) thời Lê hay Hoàng Việt luật lệ triều Nguyễn cũng có quan niệm tham nhũng là những hành vi của những người có chức, có quyền. Điều này rất gần với khái niệm tham nhũng ngày nay (Tham nhũng là hành vi của những người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn nhằm mục đích vì vụ lợi – Điều 2 Luật Phòng và chống tham nhũng 2005, sửa đổi bổ sung 2012). Nhìn chung pháp luật thời phong kiến không nêu ra định nghĩa về tham nhũng mà chỉ đi thẳng vào các quy định đối với từng loại tội có biểu hiện của tham nhũng (đi vào miêu tả cụ thể, chi tiết từng hành vi, mức độ và định hình phạt cho từng loại tội). Đồng thời mỗi một loại tội của tham nhũng lại có thể được quy định trong nhiều điều luật khác nhau.



Hầu hết những tội danh có dấu hiệu tham nhũng được quy kết thành tội phạm. Chứng tỏ, lúc bấy  giờ tội tham nhũng được coi là tội phạm nguy hiểm. Vì xét về nội dung phần các tội phạm trong Quốc triều hình luật có thể dễ dàng nhận ra một đặc điểm nổi bật là các điều luật liên quan đến các quan chức các cấp chiếm tỉ lệ khá cao. Chỉ tính riêng những điều luật trực tiếp quy định hành vi phạm tội của quan chức thì con số đó cũng chiếm 1/3; còn khi tính cả hành vi những điều luật liên quan của quan chức thì con số đó chiếm 1/2 của tổng số các các điều luật phần nội dung.


Như vậy có thể khẳng định được rằng: Nhà nước phong kiến lúc đó đã có nhận thức rất đúng về ý nghĩa của đội ngũ quan chức trong việc bảo vệ đảm bảo trật tự, kỉ cương cũng như sự ổn định và phát triển của xã hội. Việc pháp luật phong kiến quy định các hành vi phạm tội của các quan chức xuất phát từ cơ sở đề cao trách nhiệm đó với việc xử lý nghiêm khi không hoàn thành trách nhiệm. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc xử lý của luật hình sự của chúng ta hiện nay. Đó là “... nghiêm trị người... lợi dụng chức vụ, quyền hạn...” (Điều 3 Bộ luật hình sự1999, sửa đổi, bổ sung 2009 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).


Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, quy định nhóm tội danh sách nhiễu, nhận hối lộ được quy định cụ thể trong 49 loại tội, và được chi tiết thành 225 hành vi với 42 tội danh. Có thể nêu ra các tội về tham nhũng trong Bộ luật Hồng Đức bao gồm các tội (tên các tội đã được đối chiếu tương tương đương với các tội được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng 2005 và Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009) cụ thể như:


- Tội tội tham ô:

Ví dụ, Điều 241 quy định về tội ăn bớt của công: “Những quan tướng hiệu cai quản từ ba vạn quân trở xuống, 50 lính trở lên... ăn bớt của công... thì bị biếm hay cách chức, tội nặng thì bị đồ hay lưu. Nếu khi chống giặc mà phạm những lỗi trên thì không kể nặng nhẹ đều phải chém”.

- Tội nhận hối lộ:

Ví dụ, Điều 79 quy định: “Sứ thần đi xứ ra nước ngoài... lấy của hối lộ mà tiết lộ công việc nước nhà thì đều phải tội chém...”.

- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:

Ví dụ: Điều 173 quy định về tội đòi tiền những kẻ phạm tội khi phải văng mệnh lệnh đuổi bắt họ: “Những quan tướng soái vâng mệnh lệnh đuổi bắt những kẻ phạm tội lớn... nếu đòi tiền thì bị biếm hai tư...”.

- Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ:

Ví dụ: Điều 120 quy định về tội quan sai cố ý làm sai sự thực vì thân hình hay thù oán: “Viên quan sai đi công cán... nếu vì thân tình hay thù oán mà cố ý làm sai sự thực thì sẽ chiếu theo sự tăng nặng nhẹ mà tăng thêm tội...”.


Điều 164 quy định tội cố ý giam người đã được cho tha ra (lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật): “Các quan quản giám các dân Man Liêu... sai người nhà đem trát đi bắt người hoặc là ức hiếp người mà giam cấm thì xử phạt 60 tượng... Nếu người bị giam đã được tâu lên cho tha ra mà cứ cố giam, viên quản giám bị xử tội năng hơn ba bậc lại mất cả chức quản giám”.


- Tội lạm quyền trong thi hành công vụ:

Ví dụ: Điều 152 quy định về tội quan sảnh, quan viện tự tiện phê vào sổ thăng trật, thuyên chuyển của các quan văn võ mà chẳng theo thứ bậc: “ Các quan sảnh quan viện phê vào sổ thăng trật, thuyên chuyển của các quan văn võ... mà chẳng theo thứ bậc, tự tiện thay đổi thì bị tội đồ...”.


- Tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ:

Ví dụ: Điều 140 quy định về tội đưa hối lộ: “Những người mà đưa hối lộ mà xét ra việc của họ có trái lẽ thì theo việc của họ mà định tội. Còn người nào thật oan khổ vì muốn cho khỏi tội mà hối lộ thì được giảm tội...”; hối lộ thay người khác: “Người không phải việc mình mà đi hối lộ thay người khác thì xử nhẹ hơn người ăn hối lộ hai bậc...”.


Về sau, về cơ bản Hoàng Việt luật lệ cũng là sự kế thừa về cơ bản nội dung của Quốc triều hình luật về các quy định tội phạm chức vụ. Tuy nhiên cách chia khung hình phạt có khác nhau và mang tính nghiêm khắc hơn. Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long) ban hành năm 1815 bao gồm 398 điều, chia làm 22 quyển. Trong đó điều luật trị tội quan lại nhận tiền hối lộ được quy định tại quyển 17 trong mục hình luật, đây là điều cấm bắt buộc đối với quan lại khi thi hành việc công, được quy định từ điều 312 đến điều 320.


Ví dụ quy định: “Phàm quan lại (nhân chuyện lạm dụng hay không lạm dụng luật pháp) nhận tiền của thì kể theo tang vật đó mà xử tội. Người không ăn lương nhà nước thì giảm một bậc, lấy lại những cáo sắc vua ban cho, xóa tên sổ quan, lại thì bãi dịch (tang vật chỉ một lượng) không kể thứ bậc nào.


Nói những lỗi của người phạm để lấy tiền thì người có ăn lương nhà nước, giảm một bậc về người nhận của tiền. Người không có ăn lương nhà nước thì giảm hai bậc tội (như ăn đút lót bởi hăm dọa gian dối, bởi người ta muốn được xử nhẹ và xong việc mới nhận tiền của thì không ở trong điều này). Mức tội là trăm trượng, đồ hai năm (chiếu luật dời chỗ sửa thành nửa tội lưu), có tang vật (nói lỗi lấy tiền lại nhận tiền thêm) thì kể theo tang vật đó mà xử, theo đó mà xử nặng (nếu tang vật nặng thì xử theo điều gốc)”.


Như vậy, người có ăn lương nhà nước (người được hưởng mỗi tháng một thạch trở lên) lạm dụng pháp luật ăn đút lót của nhiều chủ, buộc tội chung nhận của người mắc tội mà xử cong luật quẹo pháp, nhận tiền của một người thì phạt trọn việc đó. Như nhận tiền của 10 người một lúc, việc đổ bề, tính chung một chỗ, xử trọn mọi tội. Còn tội phạm hai việc trở lên, một chủ trước bị phát giác và xử tội, tội sau bị phát giác nhẹ hơn, cũng bị xử, một lượng trở xuống phạt 70 trượng, 1 lượng đến 5 lương phạt 80 trượng, 10 lượng phạt 90 trượng, 10 - 15 lượng phạt 100 trượng... 80 lượng đúng, phạt treo cổ.


Không lạm dụng luật pháp, ăn đút lót của nhiều chủ, tính chung xử tội theo nửa số đó. Tuy có nhận tiền của người nhưng không xử con quẹo, song nhận tiền cùng lúc của 10 chủ, việc đổ bể, tính chung xử phân nửa tội, một chủ cũng xử phân nửa tội, 1 lượng trở xuống phạt 60 trượng, 1-10 lượng, phạt 70 trượng, 20 lượng phạt 80 trượng, 30 lượng phạt 90 trượng, 40 lượng phạt trăm trượng,... 120 lượng trở nên phạt treo cổ.


Còn việc quan lại hứa nhận tiền của được quy định như sau: “Phàm chưa trực tiếp với sự việc mà quan lại hứa nhận tiền của, nếu làm cong luật pháp thì xử theo chỗ cong đó, còn việc không làm cong luật pháp thì xử theo chỗ không cong. Giảm một bậc tội chỗ làm cong luật mà nặng thì xử theo điều nặng”.


Phàm luật gọi là xử theo, chuẩn theo thì đến tội chết được giảm một bậc. Tuy đủ số tội cũng phạt trăm trượng, lưu ba ngàn dặm. Điều này khái lược gọi là chuẩn theo chỗ làm cong luật pháp. Lại gọi là giảm một bậc, giả như hứa chuẩn theo chỗ làm cong luật pháp, đã đủ số, đến chết, giảm một bậc, phạt trăm trượng, lưu đày ba ngàn dặm. Lại giảm một bậc phạt trăm trượng, đồ ba năm mới hợp luật. Đó gọi là chính phạm được giảm nhiều lần”.


Luật Gia Long quy định rất ngặt và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng nhận tiền của hối lộ, bắt dân phải nộp tiền…nếu như ai bị mắc vào mức nào thì căn cứ vào luật mà xử đoán. Những viên quan nào đến mức bị tước bỏ bằng, sắc, cáo của vua ban và bị xóa tên trong sổ bộ quan là bị bãi chức hoàn toàn. Còn lại tùy thuộc vào số lượng tiền của nhận hay chưa nhận mà có hình thức trách tội khác như lưu đày, đồ, bãi nhiệm, đánh đòn…


Tóm lại, xã hội cũng như các quy định pháp luật phong kiến đều nêu quan niệm về tham nhũng rất rộng, rất đơn giản, thông qua các hành vi cụ thể. Mặc dù rất cụ thể nhưng ta vẫn có thể hiểu khái quát được quan niệm tham nhũng thời phong kiến là tất cả những hành vi vi phạm pháp luật, của những người có quyền, có chức trong bộ máy quan lại thời bấy giờ, lạm dụng pháp luật để tư lợi. Trên cơ sở quan niệm hành vi tham nhũng là hành vi có hại, các vị vua phong kiến rất quan tâm đến vấn đề phòng chống nó, và coi như nó như là một trong những phương thức để duy trì quyền lực và phát triển đất nước.


Tác giả: Lan Hương

0 comments:

Đăng nhận xét