Hướng tuyển chọn,
sử dụng quan lại theo hướng trọng người vừa có đức vừa có tài
Yếu tố đạo đức
là yếu tố rất được coi trọng để các vị vua tuyển chọn người tài. Quan điểm của
các vị vua cho rằng quan lại phải là người có đức thì mới có thể làm gương cho
kẻ dưới, mới có thể “trị quốc”, “bình thiên hạ”. Chính vì thế mà Nhà Lê đã từng
đặt ra lệ: đối với người đi thi buộc địa phương phải chịu trách nhiệm về tư
cách đạo đức của sĩ tử đi thi Hương (lệ khảo kết hương thí) và lệ kê khai ba đời
(cung khai tam đại). Ngẫm lại mới thấy đúng, nếu ngay từ đầu, tuyển người mà
chú ý đến đạo đức của người đó, xét mặt đạo đức phải đi đôi với tài năng thì chắc
chắn người được tuyển sẽ là vị quan tốt, biết yêu thương dân, vì thế sẽ không
thể có lòng tham được.
Khoa cử
là con đường chính để chọn người tài nhưng bằng cấp không hoàn toàn là tuyệt đối
Có hai điểm về
tuyển dụng quan lại thời phong kiến mà chúng ta nên quan tâm đó là: Có sự áp dụng
mềm dẻo để chọn được người tài không quan tâm vào đường xuất thân, ngoài hình
thức tuyển cử còn đề cử. Đây là sự táo bạo rất hợp lý bởi điều kiện học tập của
mọi người là không giống nhau, có người có tài nhưng không có điều kiện học
hành đến nơi đến chốn, hơn nữa người học bằng cấp cao chưa hẳn đã vận dụng vào
thực tế giỏi. Vì vậy không nên hoàn toàn lấy thi cử, bằng cấp làm tiêu chuẩn
duy nhất.
Hơn nữa, các bậc
vua chúa rất biết đào tạo lại đội ngũ quan lại để trong một khoảng thời gian đủ
dài để chuyển đội ngũ công thần (đa số là những người có công lập ra triều đại,
đưa vua lên ngôi) thành đội ngũ quan lại có xuất thân là khoa bảng là chủ yếu.
Tuy nhiên hiện tại,
việc tuyển dụng công chức của chúng ta hiện nay quá coi trọng ở đầu vào. Bằng cấp
là yếu tố đầu tiên để tuyển dụng công chức, nghĩa là chúng ta chỉ coi trọng cái
hình thức, chức danh trong khi cái mà hành chính nhà nước đang hướng tới là hiệu
lực và hiệu quả, thì ở đầu ra chúng ta lại không quan tâm chú trọng. Ở đâu đó
người ta dùng bằng giả để “ đánh lừa” các cơ quan, và bằng giả chủ yếu là để
thăng tiến. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, cho nên tất
cả hoạt động tuyển dụng, cất nhắc đều đòi hỏi bằng cấp. Nhiều cán bộ chịu khó học
hành, có bằng cấp thật và trình độ thật. Nhưng cũng không ít người “trình” ra bằng
giả để giả quyết công việc cho nhanh. Thực tế, ai cũng thấy nhiều nhân vật xuất
chúng trên thế giới, từ nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho tới chính
trị gia không hề có bằng cấp cao. Câu nệ bằng cấp không chỉ bỏ mất những người
có tài năng thực sự mà vô hình chung còn khuyến khích người không có điều kiện
học tập tìm đến bằng giả. Vì thế tuyển chọn, sử dụng, đề bạt cán bộ phải theo
năng lực thực tế, bằng cấp chỉ nên là một căn cứ để xem xét, chứ không nên tuyệt
đối hóa nó. Với những ai do điều kiện lịch sử mà không có đủ bằng cấp, muốn tồn
tại được phải đi học, gây nên “cơn sốt học” không vì kiến thức mà vì bằng cấp
thuần túy, khó tránh khỏi những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, mà năng lực,
trình độ công tác của công chức vẫn không được nâng lên.
Đề cao
trách nhiệm cá nhân của người tiến cử, bảo cử quan lại
Quy định này đưa
ra nhằm hạn chế tình trạng đề cử “láo”. Ai mà đề cử người không có tài sẽ bị phạt:
“người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì sẽ bị biếm..., nếu
vì tình riêng hoặc vì ăn tiền mà tiến cử thì xử nặng thêm hai bậc” (điều 174,
Quốc triều hình luật). Chính quy định chặt chẽ này mà quan lại làm nhiệm vụ đề
cử không giám tiến cử, bảo cử sai vì tình riêng hay vì nhận tiền hối lộ, đút
lót.
Thực tế hiện nay
cho thấy, chúng ta cũng cần phải có những quy định chặt chẽ trong việc giới thiệu
nhân sự để chọn người hiền tài. Khi được tiến cử mà người không “xứng chức”, hư
hỏng thì người tiến cử phải chịu trách nhiệm và bị phạt. Cán bộ lãnh đạo có quyền
tiến cử nhưng cũng phải chịu trách nhiệm về người mình tiến cử. Khi ai đó tiến
cử được người hiền tài thật sự thì người đó được khen thưởng. Không có những
quy định trách nhiệm rõ ràng như vậy sẽ tạo sơ hở để kẻ xấu lợi dụng, họ có quyền
tiến cử mà không phải chịu trách nhiệm gì cả. Áp dụng nghiêm những quy định này
chắc chắn chúng ta sẽ hạn chế được rất nhiều tệ nạn “chạy chức, chạy quyền”,
“mua quan, bán chức” như hiện nay.
Ngày nay chúng
ta thấy, việc “cử” thường đặt trước việc thi, ý nghĩa của hai từ “thi - cử” mà
ông cha ta vẫn nói từ xưa, đến nay đã bị đổi vị trí. Điều này dẫn đến thực trạng
tiếp nhận cán bộ vào cơ quan, thông qua các mối quan hệ quen biết hoặc do hối lộ
rồi sau đó mới tổ chức “thi tuyển nội bộ”, mới cử họ đi học lớp nọ lớp kia (chủ
yếu là tại chức để chính thức hóa chức danh), để có đủ điều kiện ngạch, bậc mà
họ được giữ .
Thực hiện
luân chuyển quan lại
Ý nghĩa lớn lao
của việc luân chuyển quan lại là không chỉ sắp đặt quan lại vào vị trí làm việc
phù hợp với sở trường, sở đoản mà còn khích lệ được tinh thần làm việc của quan
lại khi được là đúng ở vị trí mà mình yêu thích, có thể phát huy được hết khả
năng của bản thân, từ đó nâng cao hiệu quả làm việc của quan lại. Không những
thế, ý đồ khác của việc luân chuyển quan lại còn nằm ở chỗ sẽ hạn chế được tình
trạng tham nhũng. Bởi quan lại sẽ không được làm việc ở một vị trí quá lâu, có
đủ thời gian để gây ảnh hưởng đối với người khác để tham nhũng. Thời gian luân
chuyển thời đó ít nhât là 6 năm - khoảng thời gian theo quan điểm chủ quan cá
nhân không phải là ngắn để tận tường, nắm rõ công việc, nhưng cũng không phải
là quá dài để quan lại có thể thực hiện hành vi tham tang.
Ngày nay, việc
luân chuyển cán bộ vẫn là một việc làm cần thiết nhưng chúng ta cũng chưa làm
thật tốt. Việc luân chuyển cán bộ chưa có kế hoạch cụ thể. Do thiếu sự chuẩn bị
về chuyên môn đã tạo ra không ít khó khăn cho những cán bộ được luân chuyển. Thời
gian luân chuyển can bộ chuyên môn là ba năm, như vậy khoảng thời gian này là
quá ngắn để họ nắm bắt được công việc. Ở một vài nơi việc luân chuyển cán bộ
còn được lợi dụng vì động cơ cá nhân.
Thực hiện
chế độ Hồi tỵ
Đây là cách làm
rất khoa học, rất tiến bộ của phong kiến trong việc phòng chống tham nhũng.
Theo đó, những
người có quan hệ huyết thồng, đồng hương, thầy trò, bạn bè... không cùng được
làm quan hay làm việc một địa phương, công sở. Việc quy định như vậy nhằm mục
đích tránh sự kéo bè, kéo cánh, bao che nhau phạm pháp, nâng đỡ, thiên vị cho
nhau, gây ra nhiều tiêu cực, làm cho bộ máy nhà nước kém hiệu lực. Mà trong đó
tham nhũng theo dây ô là một nguy cơ rất lớn.
Kinh nghiệm này
được đời sau tiếp thu, học hỏi và đưa vào trong quy định pháp luật đối với cán
bộ, công chức. Trước đây pháp lệnh cán bộ công chức năm 1998 quy định: Người đứng
đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không
được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó
trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước (điều 19); người đứng đầu và cấp phó
của người đứng đầu cơ quan, tổ chức không được bố trí vợ, hoặc chồng, bố mẹ,
con, anh chị em ruột mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, kê toán -
tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, hoặc mua bán vật tư, hàng
hóa, giao dịch, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức đó (điều 20).
Về sau, điều 37
Luật phòng chống tham nhũng 2005, cũng quy định về hồi tỵ sau:
- Người đứng đầu,
cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được
góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp
thực hiện việc quản lý nhà nước (khoản 2).
- Người đứng đầu
và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ, hoặc
chồng, bố mẹ, con, anh chị em ruột mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự,
kê toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao
dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức đó (khoản 3).
- Người đứng đầu,
cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con,
kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp (khoản 4).
- Cán bộ, công
chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc,
Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác của doanh
nghiệp Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ
hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu
của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của
doanh nghiệp mình; bố trí cho vợ hoặc chồng, bố, me, con, anh, chị, em ruột giữ
chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh
nghiệp hoặc giao cho mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp
(khoản 5).
Tuy nhiên trên
thực tế, hiện tượng này vẫn diễn ra rất phổ biến, hàng loạt các gói thầu của
các công trình cấp quốc gia “rơi” vào tay của vợ hoặc chồng, hoặc anh em họ
hàng, con cháu của người đứng đầu hoặc cấp phó của các “ông to” trong bộ máy
nhà nước.
Hơn nữa, trong
khâu tuyển chọn quan lại, triều đình phong kiến cũng rất chú trọng đến việc
giáo dục quan lại, thể hiện ở việc tăng cường giáo huấn. Các đề thi Văn Sách
trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình phần lớn đều đưa ra chủ đề “trị nước”
và trách nhiệm của kẻ sĩ, với mục đích là làm cho quan lại thấm nhuần và giữ được
lý tưởng sống của kẻ sỹ “Thành danh, lập ngôn, lập công và lập đức”, chấp nhận
“Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an” (người quân tử ăn không cần no, ở không
cần sang) hay “an bần, lạc đạo” (Yên phậnv ới cảnh nghèo mà vui được hành đạo,
tức đem tài năng thi thố với đời, để “trị quốc bình thiên hạ” ), sống thanh
liêm. Rõ ràng, việc giáo dục quan lại ngay từ khi mới đặt chân vào chốn quan
trường (thể hiện ngay trong đề thi) có ý nghĩa lớn trong việc làm cho quan lại
thấm nhuần tư tưởng và đạo đức của một kẻ sĩ, một người quân tử, của một vị
quan thanh liêm.
Tiến hành
“khảo khóa” để phát hiện hành vi tham nhũng
Mặc dù “khảo
khóa” là một bước trong sử dụng quan lại. Tuy nhiên đi sâu vào tìm hiểu biện
pháp này sẽ thấy tính chất “phát hiện” nhiều hơn là “phòng ngừa”. Do đó, cố ý đặt
nó tách riêng ra như một kinh nghiệm mà chúng ta có thể rút ra từ các cách làm
của các triều đại phong kiến.
Tiến hành khảo
khóa theo lệ là ý tưởng tiến bộ, còn nguyên giá trị đến ngày nay. Khảo khóa
không chỉ kiểm tra năng lực của quan lại mà còn giúp vua phát hiện các hành vi
tham nhũng của quan lại. Các ông không chỉ giám sát bên ngoài (chủ yếu tập
trung về công vụ) và còn giám sát bên trong (tiến hành khảo khóa, khảo thí, tập
trung vào năng lực chuyên môn và đạo đức của quan lại nhiều hơn nữa). Mục đích
nhằm kiểm tra định kỳ đối đội ngũ quan lại. Quan lại nào không xứng chức sẽ bị
giản thải (cho về hưu sớm), thậm chí nếu không hoàn thành nhiệm vụ còn có thể bị
phạt tội bằng hình thức giáng chức... Bởi các vị vua nhận thấy rằng: Muốn sử dụng
được người tài xứng đáng với công việc phải định kỳ kiểm tra năng lực công tác
của quan lại, việc kiểm tra thường xuyên này sẽ phát hiện ra được hành vi tham
nhũng của quan lại. Ý nghĩa tích cực thể hiện ở các mặt sau:
Thứ nhất,
làm cho người hiền tài không bị vùi lấp, kẻ vô tài không được nương thân.
Thứ hai, khắc phục được những
điểm yếu của phép tuyển bổ quan lại bằng tuyển cử (giỏi trên sách vở mà không
có khả năng ứng dụng trong thực tế) và bảo cử khi không thực sự có tài.
Thứ ba, phát hiện ra những việc
làm tốt - xấu của quan lại. Nếu tốt thì khen thưởng. Nếu xấu thì phạt tội.
Ngày nay, đối tượng,
nội dung quản lý ngày càng đa dạng, phức tạp, thực tiễn ngày càng có nhiều chuyến
biến nhanh, do đó đòi hỏi người quản lý phải thực sự là người nhạy bén, năng động,
không ngừng nâng cao năng lực, trình độ công tác. Sự kiểm tra định kỳ năng lực
công tác của cán bộ công chức ngày càng quan trọng và trở nên cần thiết bội lần
so với trước đây.
Tuy nhiên sự kiểm
tra, đánh giá cán bộ công chức hiện nay còn làm rất hình thức. Vì thế mang lại
hiệu quả không cao và càng không có ý nghĩa trong việc phát hiện ra hành vi
tham nhũng. Nguyên nhân là các tiêu chí đánh giá chưa gắn với công việc cụ thể;
các phương pháp đánh giá thiếu tính khoa học; việc đánh giá bị chi phối nhiều bởi
yếu tố chủ quan (bị mua chuộc hoặc thân quen).
Việt Nam là một
nước nặng về tư tưởng phong kiến, “một người làm quan cả họ được nhờ”, “một giọt
máu đào hơn ao nước lã”, cả nể. Chính vì thế việc đánh giá công chức chỉ thực
hiện trên danh nghĩa. Chúng ta lấy một ví dụ như thế này để chứng minh: Giữa cấp
trên và nhân viên có quan hệ huyết thống, hoặc người nhân viên khi vào cơ quan
được cấp trên đó “nâng đỡ”, nên khi nhân viên bỏ phiếu tín nhiệm cấp trên thì
có một thực tế chắc chắn rằng không nhân viên nào giám bỏ phiếu bất tín nhiệm với
vị cấp trên đó. Hơn nữa việc đánh giá tốt người này cũng chẳng ảnh hưởng tới
ai, mình đánh giá tốt cho đồng nghiệp thì đồng nghiệp lại bỏ phiếu cho mình,
như vậy là đôi bên đều có lợi. Không có một lí do, hay động lực nào để các nhân
viên trong một cơ quan phải đánh giá đúng về nhau.
Ngoài ra ở nước
ta một công việc nhưng do nhiều người làm, liên quan đến nhiều phòng, nhiều bộ
phận khác nhau. Việc kiểm tra nội bộ như hiện nay thực hiện không mấy hiệu quả,
bởi “chẳng ai vạch áo cho người xem lưng bao giờ”, việc đánh giá, kiểm tra diễn
ra với tinh thần “trong nhà tự đóng cửa bảo nhau”. Thử hỏi với cách thức như vậy,
thì làm sao có thể đánh giá đúng năng lực của cán bộ, công chức. Và làm sao có
thể phát hiện được hành vi tham ô, nhận hối lộ của bấy kỳ thành viên nào, khi
mà tất cả đều rất “đoàn kết”, “che chở” cho nhau.
Việc đánh giá
quan lại thời phong kiến dựa trên những tiêu chí rất cụ thể, trong đó tiêu chí
thanh liêm được đánh giá rất cao, là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh
giá quan lại là tốt hay không tốt, có hoàn thành nhiệm vụ được giao phó hay
không?
Đơn cử, việc xếp
hạng thưởng khảo năm Nhâm Thìn (1712), niên hiệu Vĩnh Thụy như đã nói ở chương
1. Hạng thượng khảo là những viên quan
siêng năng, cẩn thận, công bằng, thanh liêm, yêu thương dân... Điều này giúp
cho việc đánh giá từng quan lại được chính xác, kinh nghiệm quý này mà thời nay
chúng ta làm chưa tốt.
Việc đánh giá cán bộ, công chức ở nước ta trên
thực tiễn chưa có hiệu quả bởi tiêu chí đưa ra là “hoàn thành nhiệm vụ”. Nhưng
với mô hình chức nghiệp, không có các bản mô tả công việc cụ thể, công việc
liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều bộ phận vậy thì tiêu chuẩn công việc
là ở đâu? Như thế nào là hoàn thành nhiệm vụ? Rõ ràng là không có một tiêu chí
nào đánh giá cụ thể: chỉ vẻn vẹn trong có 4 từ “hoàn thành nhiệm vụ”. Bên cạnh
đó chúng ta thấy việc quy định thành nhiệm vụ hai năm liên tiếp hoặc hoàn thành
nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực thì cơ quan có thẩm quyền sẽ bố trí công
tác khác, cũng là một kẽ hở trong công tác quản lí công chức. Như vậy cứ không
hoàn thành nhiệm vụ lại chuyển thì bao giờ bộ máy hành chính ở nước ta mới gạn
lọc được những người thực sự có năng lực. Còn chưa nói đến việc, những người
không có năng lực thường lại là những người hay nhũng nhiễu, hách dịch cửa quyền
với dân để vòi vĩnh.
Tác giả: Lan Hương