Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Cách mạng Công nghiệp 4.0 có phải là một cuộc Cách mạng xanh

 “Cách mạng xanh” ở đây tác giả muốn nói tới, đó là vấn đề bảo vệ môi trường trong tiến trình hội nhập, phát triển Cách mạng Công nghiệp 4.0, cụ thể hơn là các ngành, các lĩnh vực mà Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động tới. Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, luôn được gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường, đây là vấn đề mà các quốc gia trên thế giới đều quan tâm và đưa vào trong công tác hoạch định chính sách của mình như một yếu tố quan trọng và khẩn thiết. Các quốc gia đều ý thức được rằng, không thể đánh đổi các lợi ích về kinh tế bằng việc hủy hoại môi trường sinh thái mà nhân dân họ đang sống được. Vậy cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 có phải là một cuộc cách mạng mang đến cho nhân loại một giải pháp toàn diện, vừa phát triển kinh tế xã hội và vừa đặt yêu cầu bảo vệ môi trường lên hàng đầu hay không? Khi mà nhân loại đang mơ về một cuộc “cách mạng xanh” trong thời đại cách mạng 4.0.

Cuộc cách mạng xanh là như thế nào?

  Tiêu chí xanh của một nền kinh tế, một cuộc Cách mạng Công nghiệp được đánh giá ở mức độ gây ảnh hưởng, tác động tới môi trường một cách thấp nhất, điều đó được đánh giá qua việc sử dụng, tái chế các nguồn năng lượng, nguyên liệu, việc xây dựng các quy trình sản xuất không khói bụi, các quy trình xử lý chất thải theo tiêu chuẩn,...cũng như quá trình cung ứng cho con người những sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe,…mà không ảnh hưởng tới môi trường sống của con người.


Thực tế cho thấy, vấn nạn hủy hoại môi trường khi mà nền kinh tế phát triển luôn nhức nhối và chưa có lời giải đáp cụ thể. Minh chứng cụ thể hơn, ở Trung Quốc hiện nay đang phải gồng mình đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra. Thủ đô  Bắc Kinh của Trung Quốc đang bị báo động đỏ vì ô nhiễm không khí, chính quyền Bắc Kinh buộc phải lệnh cho 1.200 nhà máy gần thủ đô phải ngừng hoặc giảm xả khí thải do cảnh báo ô nhiễm không khí ở mức cao nhất. 10 thành phố ở tỉnh Hà Bắc (gần Bắc Kinh), nơi có các nhà máy sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, cũng nhận được cảnh báo đỏ. Các nhà máy thép tại đây buộc phải cắt giảm sản lượng. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thế hai thế giới, song nước này đang phải vật lộn với tình trạng ô nhiễm môi trường sau nhiều thập kỷ tăng trưởng chóng mặt. Hệ thống cảnh báo nhiều cấp của Trung Quốc được lập ra như một phần của nỗ lực giảm bớt lượng khí thải độc hại xả ra từ các nhà máy. [27]


Không đâu xa tại Việt Nam, tháng 9 năm 2008, Đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang Công ty Vedan đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho con sông huyết mạch này. Cụ thể, Công ty Vedan đã xả thải một lượng nước thải có mùi hôi thối khó chịu trực tiếp vào môi trường không qua thiết bị hạn chế, xử lý nào khi đưa ra môi trường. Hàm lượng chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường, vượt quá mức quy định cho phép hàng chục lần, gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải một cách nghiêm trọng. [33]



Vào tháng 4 năm 2016, dọc bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, ô nhiễm môi trường một cách cực kì nghiêm trọng. Cụ thể đã có 1 người thợ lặn tử vong, hơn 115 tấn cá chết dạt vào dọc dải bờ biển, làm chết hơn 140 tấn cá và hơn 67 tấn ngao nuôi, hơn 450 héc-ta rạn san hô bị hủy hoại từ 40 đến 60%…[32]. Nguyên nhân được bắt nguồn từ việc xả thải một lượng lớn nước thải, chứa độc tố từ tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Cho đến nay, sự cố môi trường biển tại Formosa Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận vẫn còn bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng và là nỗi ám ảnh cho nhân dân vùng biển miền Trung.


Những ví dụ kể trên chỉ là các minh chứng tiêu biểu của vấn nạn ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển kinh tế mà con người không ý thức được sự nguy hại nghiêm trọng tới môi trường mà họ gây ra. Ngoài ra tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường đất,... cũng đang xảy ra một cách tràn lan tại nhiều quốc gia trên thế giới.


  Cách mạng Công nghiệp 4.0 ra đời, đứng trước rất nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường. Một cuộc “cách mạng xanh” đã được lên phương án như thế nào khi mà Cách mạng Công nghiệp 4.0 bước vào giai đoạn khởi đầu này?


Có thể nói rằng, cách mạng 4.0 có tác động tích cực trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung hạn và dài hạn nhờ các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên. Các chuyên gia môi trường nhận định, hiện xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp. Điều này cũng khẳng định mối quan hệ giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. Đã đến lúc phải nhận thức rõ mô hình phát triển nào ít ảnh hưởng đến môi trường, mô hình nào mang lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân Việt Nam.


Tại các nước phát triển, xu hướng chung trong đổi mới công nghệ được nhận định là xu hướng đầu tư nghiên cứu và phát triển nhằm đưa những công nghệ tiên tiến hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường để hướng đến tăng trưởng xanh -giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng. Điển hình như các doanh nghiệp của Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ...


Thực tiễn tại các nước cũng cho thấy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ cao đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau,” “kinh tế nâu”[1]


PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) khẳng định: Đổi mới công nghệ hướng tới phát triển “kinh tế xanh”[2]  là hướng đi đúng và phù hợp với xu thế phát triển mới của doanh nghiệp hiện nay, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mang lại hiệu quả của nền kinh tế xét trong dài hạn để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, nhất là tới đây, Việt Nam tham gia Hiệp định Tự do thương mại với Châu Âu và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương - TPP[3] , nếu doanh nghiệp sớm đổi mới công nghệ phù hợp với các tiêu chuẩn cao của thế giới, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường khu vực và toàn cầu.


Trong tương lai, các nguồn năng lượng mới tiết kiệm hơn, sạch hơn sẽ được sử dụng, nếu điện hạt nhân (nguyên tử, nhiệt hạch) được phát triển ở mức độ cao (bảo đảm an toàn và xử lý chất thải phóng xạ hiệu quả) và nếu loài người sẽ chuyển hẳn sang một thế giới, mà trong đó tất cả các phương tiện giao thông vận tải chỉ chạy bằng điện (từ các bộ ắc-quy “sạch” được nạp điện từ các tấm PV cũng “sạch”) thì khi đó, chúng ta mới có giải pháp đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh mà không làm cho trái đất bị nóng lên, hay bị ô nhiễm.


Trong lĩnh vực nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu hay các loại thuốc kích thích tăng trưởng khác luôn là vấn đề nan giải cho một nền nông nghiệp truyền thống, thủ công. Hơn thế nữa, Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang đến những mô hình sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn, các sản phẩm sẽ được sản xuất trên nền tảng hữa cơ, có các cơ chế giám sát cụ thể và an toàn, thân thiện với môi trường là yêu cầu hàng đầu được đặt ra.

Tóm lại, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang bước đi những bước chân vững chắc trong việc kiến tạo một nền kinh tế sản xuất hiện đại, năng suất và nhiều lợi ích, trong đó công tác bảo vệ môi trường là một hướng đi toàn diện và bền vững.

[1] Kinh tế nâu: (Brown Economy), tức là nền kinh tế dựa trên các nguồn năng lượng hóa thạch, đã bộc lộ phát thải khí nhà kính, khủng hoảng biến đổi khí hậu, không bảo đảm an ninh năng lượng dẫn đến chiến tranh và xung đột, không bảo đảm an ninh lương thực…

[2] Kinh tế xanh: (Green Economy) được Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP) định nghĩa “là một nền kinh tế hướng tới mục tiêu cải thiện đời sống của con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên”.

0 comments:

Đăng nhận xét