Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

So sánh sự khác biệt của Cách mạng Công nghiệp 4.0 với các cuộc Cách mạng Công nghiệp

 Mỗi cuộc Cách mạng Công nghiệp đã diễn ra đều mang trong mình những giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn. Hiểu trên lớp nghĩa đơn thuần thì đó là một sự thay đổi, tuy nhiên nếu tư duy ở góc độ vĩ mô thì đó chính là hệ quả tất yếu của quá trình biến đổi vượt bậc, trong xu thế phát triển không ngừng của tiến bộ loài người, sự thay đổi mang tính đột biến và triệt để. Ba cuộc cách mạng trước đó đã diễn ra trong suốt lịch sử thế giới  và bây giờ là kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp 4.0 - giai đoạn chúng ta được sống và được trải nghiệm, khi mà các công nghệ mới và phương pháp nhận thức thế giới mới đã đổi thay, để tạo ra một sự biến đổi sâu sắc trong các hệ thống kinh tế và kết cấu xã hội. Cũng là lúc, chúng ta nhìn nhận và tự hào về các thành tựu to lớn mà các thế hệ đi trước đã gây dựng và để lại cho nhân loại ngày nay.

Cuộc cách mạng 4.0


 
Các cuộc Cách mạng Công nghiệp đã diễn ra đều mang trong mình những đặc trưng riêng có, không giống với bất kì cuộc Cách mạng Công nghiệp nào khác. Chúng có bối cảnh, có yêu cầu thực tiễn của lịch sử công nghiệp đặt ra, có những đòi hỏi về một sự thay đổi để tốt hơn, để xã hội có nhận thức lạc quan và mạnh mẽ hơn... các cuộc Cách mạng Công nghiệp được sinh ra, rồi phát triển, rồi vươn tới đỉnh cao, và chúng không có bất kỳ lý do gì để có thể nói là thóai trào, bởi vì mỗi cuộc Cách mạng Công nghiệp được đánh dấu là kết thúc, thì cũng chính là lúc nó khẳng định được vai trò nền tảng cho sự ra đời và phát triển mạnh mẽ hơn của các cuộc Cách mạng Công nghiệp kế tiếp sau đó.


Tựu chung lại, các cuộc Cách mạng Công nghiệp sinh ra để thay đổi thế giới, làm tiên tiến và hiện đại hơn hệ thống sản xuất, nâng cao hơn năng suất lao động và làm thay đổi sâu sắc hơn chất lượng cuộc sống của con người. Bước qua mỗi cuộc Cách mạng Công nghiệp, con người lại như được sống trong những thành quả vượt bậc do chính mình tạo ra, điều đó là động lực to lớn cho họ thêm phấn đấu và phát triển hơn nữa thế giới này. 


Tuy nhiên, bản thân mỗi cuộc Cách mạng Công nghiệp đã diễn ra lại có những sự khác biệt rõ rệt, về bối cảnh, nguồn gốc, đặc trưng, cơ chế hay sản phẩm, thành tựu mà nó tạo ra.


Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 1 diễn ra từ khoảng năm 1784, với đặc trưng là sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 1 được bắt đầu bằng việc xây dựng các tuyến đường sắt và phát minh ra động cơ hơi nước. Phát minh này của James Watt, được công bố vào khoảng năm 1775, đã đánh dấu cho sự bùng nổ của công nghiệp thế kỉ 19 lan rộng từ Anh đến Châu Âu và Hoa Kỳ. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần 1 đã mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử nhân loại - kỉ nguyên sản xuất cơ khí. Tác động lớn nhất đó là nó đã thay thế hệ thống kỹ thuật cũ có tính truyền thống của thời đại nông nghiệp (kéo dài 17 thế kỉ), chủ yếu dựa vào gỗ, sức mạnh cơ bắp (lao động thủ công), sức nước, sức gió và sức kéo động vật bằng một hệ thống kỹ thuật mới với nguồn động lực là máy hơi nước và nguồn nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng mới là sắt và than đá. Nó khiến lực lượng sản xuất được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, tạo nên tình thế phát triển vượt bậc của nền công nghiệp và nền kinh tế. Đây là giai đoạn quá độ từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền sản xuất cơ khí trên cơ sở khoa học. Tiền đề kinh tế chính của bước quá độ này là sự chiến thắng của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, còn tiền đề khoa học là việc tạo ra nền khoa học mới, có tính thực nghiệm nhờ cuộc cách mạng trong khoa học vào thế kỉ 17. 


Sự khác nhau giữa cuộc cách mạng 4.0 và cuộc cách mạng công nghiệp trước đó


  Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 2, diễn ra từ khoảng năm 1870 đến khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, đặc trưng của cuộc Cách mạng Công nghiệp này là sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 2 diễn ra trên cơ sở kế thừa thành tựu phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép, và đặc biệt là sản xuất và tiêu dùng hàng loạt. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 2 đã tạo nên những tiền đề mới và cơ sở vững chắc để phát triển nền công nghiệp ở mức cao hơn nữa. Cuộc cách mạng này được chuẩn bị bằng quá trình phát triển 100 năm của các lực lượng sản xuất trên cơ sở của nền sản xuất đại cơ khí và bằng sự phát triển của khoa học trên cơ sở kỹ thuật. Yếu tố quyết định của cuộc cách mạng này là chuyển sang sản xuất trên cơ sở điện - cơ khí và sang giai đoạn tự động hóa cục bộ trong sản xuất, tạo ra các ngành mới trên cơ sở khoa học thuần tuý, biến khoa học thành một ngành lao động đặc biệt. Cuộc cách mạng này đã mở ra kỉ nguyên sản xuất hàng loạt, được thúc đẩy bởi sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp. Công nghiệp hóa thậm chí còn lan rộng hơn tới Nhật Bản sau thời Minh Trị Duy Tân, và thâm nhập sâu vào nước Nga - nước đã phát triển bùng nổ vào đầu Thế chiến thứ nhất. Về tư tưởng kinh tế - xã hội, cuộc cách mạng này tạo ra những tiền đề thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở quy mô thế giới. 


Cuộc cách mạng 4.0 tạo ra nhiều sự thay đổi về kinh tế


  Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3 xuất hiện vào khoảng từ năm 1969, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cuộc cách mạng này thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số, bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và internet (thập niên 1990).


  Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3, được thúc đẩy nhờ cuộc Cách mạng KH & CN hiện đại. So với các cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 1 và lần thứ 2 trước đây chỉ thay thế một phần chức năng lao động chân tay của con người bằng máy móc cơ khí, hoặc tự động hóa một phần, hay tự động hóa cục bộ, thì khác biệt cơ bản nhất của cuộc Cách mạng KH & CN hiện đại là sự thay thế phần lớn và hầu hết chức năng của con người (cả lao động chân tay lẫn trí óc) bằng các thiết bị máy móc tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất nhất định.


Cơ sở năng lượng của cuộc cách mạng này, từ năng lượng hạt nhân dựa trên nguyên tắc phân rã hạt nhân (Nuclear fission) với những chất thải gây ô nhiễm môi trường, đến dựa trên nguyên tắc hoàn toàn mới và ngược hẳn lại, đó là tổng hợp hạt nhân (Nuclear fusion), thường được gọi là tổng hợp nhiệt hạch (Thermonuclear fusion). Đây chính là nguồn năng lượng của tương lai, do phương pháp tổng hợp nhiệt hạch không kèm theo các sản phẩm phân hạch gây ô nhiễm môi trường, nên không gây ra những thảm họa môi trường kiểu Chec-nô-bưn (Liên Xô) cho nhân loại. Thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của nền sản xuất xã hội, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3, đã bảo đảm cho lực lượng sản xuất phát triển nhanh chóng theo hai hướng chủ yếu: Một là, Thay đổi chức năng và vị trí của con người trong sản xuất trên cơ sở dịch chuyển từ nền tảng điện - cơ khí sang nền tảng cơ - điện tử và cơ - vi điện tử; Hai là, Chuyển sang sản xuất trên cơ sở các ngành công nghệ cao - như công nghệ thông tin, công nghệ nano, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vũ trụ,... có tính thân thiện với môi trường.



Nếu các cuộc Cách mạng Công nghiệp trước đây góp phần tiết kiệm nhân công, thay thế một phần chức năng lao động chân tay của con người bằng máy móc cơ khí, hoặc tự động hoá một phần hay tự động hoá cục bộthì cuộc Cách mạng lần thứ 3 đã tạo điều kiện tiết kiệm các tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực xã hội. Cho phép chi phí tương đối ít hơn các phương tiện sản xuất để tạo ra cùng một khối lượng hàng hóa tiêu dùng. Kết quả đã kéo theo sự thay đổi cơ cấu của nền sản xuất xã hội cũng như những mối tương quan giữa các khu vực I (nông - lâm - thủy sản), II (công nghiệp và xây dựng) và III (dịch vụ) của nền sản xuất xã hội. Làm thay đổi tận gốc các lực lượng sản xuất, cuộc Cách mạng KH & CN hiện đại đã tác động tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội loài người, nhất là ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, vì đây chính là nơi phát sinh của cuộc cách mạng này.


Tới ngày nay, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đang được hình thành trên nền tảng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3, đó là cuộc cách mạng số, đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỉ trước. Cuộc cách mạng này có đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.

Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cách mạng lần thứ 4, đã bắt đầu vào thời điểm chuyển giao sang thế kỉ này và được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi internet ngày càng phổ biến và di động, bởi các cảm biến nhỏ và mạnh hơn với giá thành rẻ hơn, bởi trí tuệ nhân tạo. Các công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng đang trở nên ngày càng phức tạp hơn, được tích hợp nhiều hơn và vì vậy đang làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu.




Một số chuyên gia gọi đây là Cách mạng thế hệ 4.0. Đó là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống thực và ảo, internet kết nối vạn vật (IoT) và các hệ thống kết nối internet (IoS). Nói một cách ngắn gọn thì viễn cảnh các nhà máy thông minh, trong đó các máy móc được kết nối internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định có vẻ sẽ không còn xa xôi nữa. Và đây chính là lúc công việc của chúng ta trong tương lai sẽ thay đổi. GS. Klaus Schwab, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới đã cho ra mắt cuốn sách “Cuộc cách mạng lần thứ 4”, trong đó ông mô tả những điểm khác biệt của cuộc cách mạng này so với ba cuộc cách mạng hầu hết dựa trên những tiến bộ công nghệ trước đó.


Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 không chỉ là về các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, là sự dung hợp của các công nghệ này và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số và sinh học, mang đến những giá trị đột phá tạo nên sự khác biệt cơ bản với tất cả các cuộc cách mạng trước đó.


Mỗi cuộc Cách mạng Công nghiệp đều đưa nhân loại tới những đỉnh cao mới về thành tựu và giá trị sống, hơn bao giờ hết loài người luôn ý thức được sự thay đổi và làm mới cuộc sống của chính mình. Đó là động lực và cũng là nguồn cảm hứng vô tận đưa con người tới những đỉnh cao chói lọi hơn nữa với kì vọng có thêm nhiều phát kiến nhằm nâng tầm cuộc sống và khao khát chinh phục thế giới này. Chính bởi vậy, các cuộc Cách mạng Công nghiệp được ra đời là minh chứng rõ nét nhất cho điều vĩ đại đó.


 - HỎI ĐÁP CÁCH MẠNG 4.0 - 

0 comments:

Đăng nhận xét